Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện để “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”

TCCT
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”, vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện để “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”.

Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long; các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Theo Chương trình, Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về các giải pháp để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phục vụ phát triển kinh tế số, tháo gỡ những tồn tại, điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là lực lượng sản xuất chất lượng cao

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là những động lực lớn trong phát triển kinh tế – xã hội trong nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ tiếp theo. 

Đảng ta đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong nhiều văn kiện, trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số.

Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng cho rằng, hiện nay, chúng ta xác định ưu tiên cho tăng trưởng, thông qua làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…).

Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong cả nhiệm kỳ, những nhiệm vụ này đều có quan hệ mật thiết với chuyển đổi số.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có chuyển đổi số, ai nắm bắt được thì sẽ đi nhanh hơn, đột phá hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta đã xác định phương châm “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong nhiều lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao. 

Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia. 

“Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”, kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động kinh tế – xã hội.” Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ. 

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện

Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng dành thời gian phân tích về vai trò, tác động tích cực, mạnh mẽ của chuyển đổi số đối với việc thay đổi phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Mặt khác, thực tiễn thời gian qua cho thấy bài học kinh nghiệm rất quan trọng là việc chuyển đổi số nhanh, mạnh, hiệu quả có vai trò đặc biệt, mang tính quyết định của người đứng đầu ở các bộ, ngành, địa phương.

Do đó, đây là Hội nghị quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận, thống nhất tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để cùng nhau hành động, nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, khả thi, tổ chức thực hiện hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chú trọng xây dựng hạ tầng số, hoàn thiện thể chế số, đào tạo nhân lực số để “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong thế giới đầy biến động hiện nay. 

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình chuyển đổi số thời gian qua, kết quả, thành tựu, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp; có văn bản chỉ đạo, điều hành phù hợp sau Hội nghị để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam đến tháng 6/2024 là 18,5%

Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. 

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm.

Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Cụ thể, báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% – 55%.

Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỉ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỉ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần). 

Về phát triển kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6/2024 là 18,5%…

Nguồn: Tapchicongthuong.vn