TCCT
Những kết quả rõ rệt từ nỗ lực nâng sản lượng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của ngành tôm Ecuador cùng thách thức đáng kể từ chi phí ngày càng leo thang đang đặt ra nỗi lo cho nhiều doanh nghiệp và người nuôi tôm Việt Nam.
Xuất khẩu tôm Ecuador liên tục lập kỷ lục
Dẫn số liệu từ Phòng Nông nghiệp quốc gia Ecuador, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chỉ riêng trong tháng 5, Ecuador đã xuất khẩu được 124.894 tấn tôm, mang về 602 triệu USD. Theo đó, khối lượng xuất khẩu tăng 12% so với kỷ lục của tháng 4, và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Ecuador xuất khẩu 509.012 tấn tôm, trị giá 2,5 tỷ USD, tăng 2% về lượng nhưng giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador trong tháng 5, với 69.543 tấn, trị giá 309 triệu USD. Tuy nhiên, do giá thị trường thấp nên giá trị xuất khẩu giảm 12% và đơn giá giảm 13% so với năm 2023.
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc giảm 15% về lượng và giảm 27% về giá trị với 270,7 nghìn tấn, trị giá 1,2 tỷ USD dù cho có nhiều tín hiệu đáng mừng tại tháng 5 vừa rồi. Nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm sản lượng xuất khẩu này là do 9 công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador bị phát hiện dư lượng natri metabisulfit quá mức.
Theo VASEP, lệnh cấm mới đây đã được dỡ bỏ, cùng với FTA giữa Trung Quốc và Ecuador có hiệu lực dự kiến sẽ là lực đẩy giúp xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
Sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu là hai thị trường lần lượt nhập khẩu tôm lớn từ Ecuador. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh với 53% về khối lượng, 41% về giá trị, đưa Hoa Kỳ trở thành điểm đến thứ hai của tôm Ecuador. Tính riêng đến tháng 5, tổng khối lượng xuất khẩu sang Mỹ đạt 23.681 tấn, trị giá 135 triệu USD.
Xuất khẩu tôm sang châu Âu đạt 22.137 tấn và 110 triệu USD, tăng 30% về lượng và 18% về giá trị. Trong đó, Pháp là thị trường tiêu thụ nhiều nhất mặt hàng này với khối lượng tăng 85%.
Tăng trưởng vượt bậc trong sản xuất tôm tại Ecuador
Tính đến tháng 5 năm nay, do xuất khẩu sang Trung Quốc chững lại, nên Ecuador đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu. Tuy nhiên, dự kiến với mức thuế chống bán phá giá sơ bộ của Hoa Kỳ áp với các công ty xuất khẩu tôm Ecuador, xuất khẩu tôm Ecuador đi Hoa Kỳ sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm nay.
Trong bối cảnh Ecuador chịu lệnh cấm từ Trung Quốc hồi đầu năm, các công ty xuất khẩu tôm của nước này cũng nỗ lực đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ bằng cách đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sang Đài Loan, Nhật Bản. Kết quả là xuất khẩu tôm Ecuador sang Đài Loan, Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm 2024 đều ghi nhận tăng trưởng từ 3-4 con số.
Mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng nhưng các nhà sản xuất tôm Ecuador vẫn đang phải vật lộn với vấn đề giá thấp và chi phí cao. Điều này tác động tiêu cực tới biên độ lợi nhuận và khả năng duy trì hoạt động nuôi tôm bền vững của người nông dân. Tuy nhiên, điều này không cản trở quá nhiều đến sản lượng. Sản lượng thu hoạch tôm chân trắng của Ecuador dự kiến sẽ tăng lên hơn 1,4 triệu tấn vào năm 2024.
Tuy giá thấp, nhưng một số công ty tôm tại Ecuador vẫn đang đẩy mạnh sản xuất. Trong đó Industrial Pesquera Santa Priscila, đơn vị xuất khẩu tôm lớn nhất nước này mới đây đã khai trương nhà máy sản xuất thứ bảy với công suất hàng năm 60.000 tấn, và công ty chế biến tôm Oceantreasure đang có kế hoạch tăng gấp đôi doanh thu tại thị trường Trung Quốc.
VASEP cho rằng, Ecuador đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong sản xuất tôm. Sản lượng tôm của nước này đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, đưa Ecuador trở thành nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp với quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến và quản lý chuyên nghiệp. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu giúp Ecuador giảm thiểu rủi ro khi một thị trường gặp khó khăn.
Việt Nam phát huy thế mạnh chế biến sâu và đa dạng sản phẩm để đứng vững trước sức ép cạnh tranh
Tôm Ecuador nổi lên như một hiện tượng, thu hút sự chú ý của các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng trên toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Đài Loan và Nhật Bản là nỗi lo ngại lớn đối với ngành công nghiệp tôm Việt Nam.
Việt Nam nằm trong nhóm 6 quốc gia sản xuất và xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới nhưng đang đối diện với áp lực cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung.
Nhiều doanh nghiệp và người nuôi tôm Việt Nam đang đối mặt với những thách thức đáng kể từ chi phí ngày càng leo thang. Giá thành bao gồm cả chi phí thức ăn, con giống và con vật tư khác liên tục tăng, cùng với chi phí giao thông và vận chuyển do hạ tầng chưa hoàn thiện. Chi phí đầu vào vật nuôi tôm đang dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/kg, với giá hiện tại, chỉ những người nuôi tôm có kỹ thuật tốt mới có thể thu hồi vốn.
Trái lại, giá tôm nguyên liệu của một số nước khác như Ecuador thấp hơn do tỉ lệ nuôi thành công cao, lên tới 80% trở lên. Ecuador cũng có ưu thế với con giống chất lượng và nguồn thức ăn rẻ hơn từ các quốc gia cung ứng.
Với giá thành sản xuất cao, ngành tôm Việt Nam bị đánh giá là yếu thế khi cạnh tranh với tôm của Ecuador cũng như Ấn Độ, tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Hiệp hội VASEP Trần Thụy Quế Phương, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2024 sẽ phục hồi và tăng trưởng từ 10-15% trong bối cảnh kinh tế các thị trường trọng điểm đang dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.
Vì vậy, để nâng sức cạnh tranh cho tôm Việt Nam, theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm bắt buộc phải đầu tư công nghệ tiên tiến hơn nữa để tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao trong chinh phục thị trường quốc tế.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, nhờ vào sự đầu tư công nghệ hiện đại, nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế.
“Vì vậy, để giữ được vị thế xuất khẩu và ứng phó với chênh lệch giá thành tôm nguyên liệu, ngành tôm Việt Nam cần phát huy thế mạnh là chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến sâu để duy trì thị trường.” – Ông Hồ Quốc Lực khuyến nghị.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn