TCCT
Bộ Công Thương đề nghị các Hiệp hội và doanh nghiệp phối hợp triển khai 06 giải pháp để thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao.
Bộ Công Thương vừa có Công văn số 5178/BCT-XNK ngày 19/7/2024 gửi các Hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu; các Hiệp hội lĩnh vực logistics; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam về giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao.
Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian vừa qua, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cục bộ tại một số cảng khu vực châu Á, thiếu container rỗng đã có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó, Bộ đề nghị các Hiệp hội và doanh nghiệp phối hợp triển khai 06 giải pháp.
Thứ nhất, phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics. Các Hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu làm việc với các Hiệp hội lĩnh vực logistics, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, tập hợp doanh nghiệp hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hoá làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, glảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.
Thứ hai, phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế. Bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương thức kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.
Thứ ba, tăng cường tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các Hiệp hội ngành hàng xuất nhập khâu phối hợp với Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường phổ biến cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về các quy định của các FTA nhằm tạo thuận lợi thương mại, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này.
Thứ tư, giải quyết hàng hóa xuất nhập khẩu tồn đọng. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phối hợp với cơ quan hải quan, doanh nghiệp khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng, góp phần thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hóa tại cảng.
Thứ năm, hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các Hiệp hội ngành hàng phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tăng cường tuyên truyền và nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất nhập khâu vừa và nhỏ trong đàm phán, ký kết các hợp đỏng mua bán ngoại thương và hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố, đặc biệt đối với hàng hoá đường biển đi qua tuyến đường có mức độ rủi ro cao.
Thứ sáu, xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh. Các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố phức tạp, khó lường tương tự trong tương lai.
Thời gian qua, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động, ảnh hưởng đến hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đáng chú ý, tình trạng ùn tắc cảng biển tại Singapore, hiện đã lan sang các cảng biển khác tại châu Á và được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết tháng 8 năm nay. Bên cạnh đó là những thách thức khác đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước tình hình đó, ngày 12/7/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Thư gửi ông Turgut Erkeskin – Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận Quốc tế (FIATA) nhằm trao đổi, thúc đẩy hợp tác và đề xuất một số nội dung liên quan đến vấn đề này.
Bộ trưởng mong muốn, với vai trò cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác về logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia, Chủ tịch FIATA và FIATA có thể hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn do tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng và thiếu container rỗng hiện nay.
Đồng thời đề nghị ông Chủ tịch và FIATA chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia và các hiệp hội thành viên của FIATA đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng. Trong phạm vi ảnh hưởng của mình với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nhấn mạnh vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu để có ưu tiên phù hợp về phương tiện và thiết bị vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho thị trường Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của Châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu.
“Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các Hiệp hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics kết nối, hợp tác chặt chẽ, có phương án ứng phó kịp thời để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các diễn biến phức tạp trong tương lai“, Bộ trưởng cho biết.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn