TCCT
Pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Croatia, Jordan, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam bị cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc, hiện ở mức 20 – 25 USD/m2
Ngày 18/7/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được thông tin về việc Tổng cục Nhập khẩu, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ (DGI) thông báo tổ chức Phiên điều trần trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Croatia, Jordan, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Mặt hàng bị điều tra trong vụ việc là tế bào quang điện được lắp ráp thành mô-đun hoặc tấm (photovoltaic cells assembled in a module or arranged in panels), gọi chung là pin năng lượng mặt trời được phân loại theo mã HS 8541.43.00.00.00.
Phiên điều trần sẽ diễn ra vào ngày 24/7/2024 (giờ Thổ Nhĩ Kỳ), theo hình thức trực tuyến.
Thời hạn để đăng ký tham gia phiên điều trần là đến ngày 22/7/2024.
Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị các bên liên quan thường xuyên theo dõi email từ Bộ để cập nhật chính xác địa chỉ và nền tảng truy cập của Phiên điều trần.
Vụ điều tra được khởi xướng từ cuối tháng 11 năm ngoái, khi Hiệp hội Năng lượng Mặt trời Thổ Nhĩ Kỳ (GÜNDER) cáo buộc pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Croatia, Jordan, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc, hiện ở mức 20 – 25 USD/m2.
Đến đầu tháng 4/2024 vừa qua, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành thông báo về việc ký quỹ đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Croatia, Jordan, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với pin năng lượng mặt trời.
Tại Thông báo, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan nộp tiền ký quỹ bằng một khoản tương ứng với mức thuế chống bán phá giá cao nhất hiện áp dụng đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc, ở mức 25 USD/m2. Số tiền ký quỹ sẽ được hoàn trả trong trường hợp vụ việc điều tra chấm dứt.
Để đảm bảo quyền và lợi ích của các doanh nghiệp của Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan chủ động đăng ký tham gia, nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, chuẩn bị các thông tin tài liệu theo yêu cầu và hợp tác đầy đủ toàn diện trong toàn bộ quá trình vụ việc.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi email từ Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ để cập nhật thông tin về địa chỉ và nền tảng truy cập của Phiên điều trần. Trong trường hợp cần thiết, các bên liên quan có thể liên hệ trực tiếp với Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ để yêu cầu làm rõ các nội dung.
Theo DGI, năm 2020, nhập khẩu sản phẩm bị điều tra chống lẩn tránh từ Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ ước đạt 2.000 tấn, chiếm 9% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra vào Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2020; năm 2021 ước đạt 2.000 tấn, chiếm 10%; năm 2022 ước đạt 17.000 tấn, chiếm 27%; 9 tháng năm 2023 ước đạt 10.000 tấn, chiếm 57%. Kim ngạch nhập khẩu đã tăng dần từ 8 triệu USD (năm 2020); lên 9 triệu USD (năm 2021); lên 105 triệu USD (năm 2022); và ước đạt 57 triệu USD (9 tháng năm 2023).
Nguồn: Tapchicongthuong.vn