TCCT
Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) nhận định nửa cuối năm sẽ là giai đoạn kinh doanh thuận lợi hơn khi thị trường chung bước vào mùa cao điểm tiêu thụ tôm.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC – sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 842 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ tăng 30,6%, đạt 87,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng trong quý tăng mạnh, đạt 37 tỷ đồng, so với mức âm 9 tỷ của quý 2/2023. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 của Thực phẩm Sao Ta giảm nhẹ gần 5% so với cùng kỳ, còn 72,4 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.901 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, phần lớn đến từ hoạt động kinh doanh tôm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đi ngang, đạt 114 tỷ đồng.
Trước đó, Thực phẩm Sao Ta đã công bố sản lượng sản xuất và tiêu thụ tôm thành phẩm chế biến trong nửa đầu năm nay lần lượt đạt 11.255 tấn (tăng 20% so với cùng kỳ) và 8.449 tấn (tăng 26% so với cùng kỳ).
Đại diện Thực phẩm Sao Ta cho biết, kết quả tăng trưởng tích cực như trên chủ yếu là nhờ sản lượng tôm tự nuôi và hoạt động tiêu thụ ổn định; trong đó, phần lớn đến từ hoạt động xuất khẩu.
Các kết quả của Thực phẩm Sao Ta hiện đang tốt hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay sẽ hồi phục tích cực khi lạm phát tại các thị trường trọng điểm “hạ nhiệt” rõ rệt và các hoạt động kinh tế dần phục hồi, kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Phía trước, nửa cuối năm 2024, tổng quan là giai đoạn dễ thở hơn, là lúc nhu cầu thị trường tăng mạnh. Tuy nhiên, Thực phẩm Sao Ta không bao giờ chủ quan, bởi biết diễn biến tình hình là vô chừng bởi những biến số tác động cho cả cầu lẫn cung. Khi nào xung đột ở Đông Âu và Trung Đông dừng lại, đó là ẩn số. Từ đó tác động lớn tốc độ phục hồi kinh tế thế giới dẫn đến khi nào giảm mạnh suy thoái và lạm phát cũng là ẩn số.”
Về phía bên cung, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta nhấn mạnh, nguồn cung tôm từ hai cường quốc tôm hàng đầu là Ecuador và Ấn Độ cũng không có tin chính thống về tình hình chung, chỉ có thông tin nhỏ giọt, phạm vi địa phương. Cho nên doanh nghiệp tôm Việt Nam ra “chiến trường” chỉ tập trung trang bị vũ khí lợi thế nào mình có, còn chuyện “biết người” thì hạn chế, dẫn đến việc các doanh nghiệp tôm Việt Nam vẫn đối mặt nhiều khó khăn.
Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Thực phẩm Sao Ta đạt 2.952 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng mạnh gần 68%, đạt 1.195 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 31%, đạt 255 tỷ đồng.
Ở phía bên kia bảng cân đối, tại ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Thực phẩm Sao Ta đạt 998 tỷ đồng, tăng 23,6% so với đầu năm, chủ yếu là vay ngắn hạn (742 tỷ đồng).
Nguồn: Tapchicongthuong.vn