TCCT
Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định vai trò của công tác khuyến công trong phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), tạo động lực thúc đẩy các cơ sở CNNT trên địa bàn phát triển sản xuất.
Năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công với địa phương với tổng kinh phí 1,949.82 triệu đồng, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ 1,389.66 triệu đồng cho các cơ sở CNNT đầu tư máy móc thiết bị để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và tăng năng suất.
Các nội dung hoạt động khuyến công như ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT … đã giúp các cơ sở CNNT đầu tư hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Các đề án khuyến công triển khai luôn gắn với nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT và phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh; nhiều hoạt động về xúc tiến thương mại được triển khai kết nối đến các cơ sở CNNT.
Năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch khuyến công địa phương với tổng kinh phí là 1,834 triệu đồng và nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 1,120 triệu đồng để triển khai các hoạt động khuyến công có trọng tâm, thiết thực góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế – xã hội cho doanh nghiệp, địa phương.
Bên cạnh đó, qua 05 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, các cơ sở CNNT đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu được ưu tiên hưởng chính sách khuyến công. Trong giai đoạn từ 2015- 2024 có 56 cơ sở được hỗ trợ đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến thuộc các ngành, nghề như chế biến nông – lâm – thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu; sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí 6,338 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương thu hút vốn đối ứng 26,823 triệu đồng. Hỗ trợ 01 cơ sở CNNT phòng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ với kinh phí 50 triệu đồng.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã khuyến khích các cơ sở CNNT đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; cải thiện chất lượng môi trường; góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.
Các cơ sở CNNT trên địa bàn có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm, tiếp cận thị trường, với nhiều quy trình sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất. Các đề án được hỗ trợ đều sản xuất ổn định, có doanh thu năm sau cao hơn năm trước, tạo thêm việc làm ổn định cho một lực lượng lao động lớn trên địa bàn nông thôn góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa CNNT.
Thời gian tới, để tổ chức thực hiện kế hoạch khuyến công địa phương năm 2024 đảm bảo hoàn thành 100% nhiệm vụ; và triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công quốc gia đúng tiến độ, hiệu quả. Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công bằng nhiều hình thức nhằm phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ phát triển công nghiệp đến các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh để các cơ sở CNNT nắm bắt thông tin kịp thời và đề xuất nội dung hỗ trợ phù hợp với chương trình khuyến công hằng năm.
Kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT tham gia hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo sự phát triển cho doanh nghiệp.
Đồng thời, thường xuyên giám sát, hướng dẫn các cơ sở CNNT triển khai thực hiện đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng tiến độ đề án đăng ký. Theo dõi đôn đốc các đơn vị hoàn thiện chứng từ đầu tư đúng theo nội dung đề án để được giải ngân theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát, nắm bắt các cơ sở CNNT có nhu cầu tham gia đăng ký đề án khuyến công để bổ sung, thay thế các đề án không đáp ứng tiến độ, nội dung theo kế hoạch khuyến công.
Phối hợp Cục Công Thương địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án khuyến công quốc gia “Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước”.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn