TCCT
Với nguồn kinh phí khuyến công được bố trí tăng dần qua các năm, hoạt động khuyến công Quảng Ngãi đã tạo động lực khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Trong những năm qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo động lực khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Nhiều ngành nghề được duy trì và phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn…
Đơn cử như trong năm 2023, nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho 03 đề án, với kinh phí 600 triệu đồng. Cụ thể: Hỗ trợ ứng dụng máy móc,thiết bị tiên tiến vào sản xuất thức ăn gia súc tại Hợp tác xã Đồng Tâm xã Ba Vì, với kinh phí là 290 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào chế biến nấm đông trùng hạ thảo núi Cà Đam tại Hộ kinh doanh đông trùng hạ thảo núi Cà Đam, với kinh phí là 90 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào chế biến, bảo quản thủy sản tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Tấn Thành, với kinh phí là 220 triệu đồng.
Cùng với đó là khảo sát doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kính phí 28,714 triệu đồng; tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, kinh phí là 40 triệu đồng; xây dựng trang thông tin điện tử cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi, kinh phí 50 triệu đồng.
Năm 2024, kế hoạch khuyến công địa phương giao là 882 triệu đồng. Trong đó, thực hiện các nhiệm vụ: Khảo sát doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, với kinh phí thực hiện 30 triệu đồng; hỗ trợ chuyển giao hoặc ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, với kinh phí chưa thực hiện 852 triệu đồng đang trong quá trình khảo sát và lập đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt để thực hiện vào 6 tháng cuối năm 2024.
Ông Hà Đức Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hoạt động khuyến công đã góp phần vào sự phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi; tạo động lực khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển một số sản phẩm mới.
Tuy nhiên, theo ông Hà Đức Thắng trong quá trình thực hiện công tác khuyến công vẫn còn những trở ngại nhất định như: Nhận thức và tiềm lực tài chính để đầu tư công nghệ và mở rộng sản xuất, cải tiến mẫu mã của các cơ sở công nghiệp nông thôn còn hạn chế; một số cơ sở công nghiệp nông thôn có tiềm lực kinh tế lại ít quan tâm do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ quá nhỏ, không đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp. Doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn cũng như thị trường nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện được dự án như đã lập, chỉ sản xuất cầm chừng hay tạm thời ngưng sản xuất kinh doanh. Một số đơn vị được thụ hưởng kinh phí khuyến công chưa phát huy hết hiệu quả năng lực sản xuất.
Do vậy, trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác khuyến công nhằm phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật và chính sách đến các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai thực hiện chính sách khuyến công. Qua đó phối hợp lồng ghép chương trình khuyến công với thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu khác nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, tích cực tuyên truyền các chính sách của Nhà nước về khuyến công thông qua các hội nghị, tập huấn, đăng thông tin trên Website của Sở Công Thương để các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp cận. Tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, sản xuất để từ đó có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho các doanh nghiệp. Đồng thời hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp và địa phương cách tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao hoặc ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường nhằm giúp chuyển đổi nhanh từ sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp đảm bảo các quy định về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn