7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,7%

TCCT
Bộ Công Thương cho biết, thị trường trong nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao, có xu hướng tăng dần từ đầu năm đến nay. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, thị trường hàng hóa tháng 7/2024 không có biến động lớn. Do là tháng cao điểm của mùa hè nên nhu cầu đối với các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tăng cao. Nguồn cung các mặt hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm.

Trong giai đoạn quý I/2024, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ Tết, với việc chỉ đạo sớm của Chính phủ, các Bộ, địa phương và việc triển khai tích cực việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường của các doanh nghiệp, thị trường hàng hóa luôn được bình ổn, nguồn cung hàng hóa Tết đáp ứng tốt nhu cầu tăng và đa dạng của người dân.

Từ quý II/2024, thị trường tập trung cho việc cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn nên giá có biến động tăng, tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới.

thị trường trong nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ đóng góp tích cực của ngành du lịch.

Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,3%).

Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,1%; may mặc tăng 9,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 3,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,2%.

Trong 7 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,2%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; TP. Hồ Chí Minh tăng 6,3%

Nhìn chung, thị trường trong nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao, có xu hướng tăng dần từ đầu năm đến nay; mặt bằng giá cả cơ bản ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.” – Bộ Công Thương nhận định.

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh tại thị trường trong nước

Bộ Công Thương cho biết thêm, mặc dù, hoạt động thương mại trong nước tăng trưởng khá nhưng phải đối mặt với sức ép tăng giá những tháng cuối năm, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa.

Các loại hình truyền thống như chợ chưa được quan tâm đúng mức, gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình hiện đại khác (như mua bán online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2024 tăng thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm gần đây (không tính giai đoạn 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 ) và thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trong năm 2024 là 9%.

Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa, đặc biệt trong thương mại điện tử còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

thị trường trong nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao
Mặc dù các kết quả trong 7 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng theo Bộ Công Thương vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn

Bộ Công Thương cho rằng, các kết quả trong 7 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Để ổn định và phát triển thị trường trong nước cũng như hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể:

Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh triển khai Luật Cạnh tranh để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

Bên cạnh đó, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025…

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế và tích hợp công cụ phòng vệ thương mại vào các kế hoạch, chủ trương, chính sách để phát triển sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn