TCCT
Mục tiêu của Chương khuyến công Quảng Bình năm 2024 sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu tiên hỗ trợ những đề án ứng dụng máy móc thiết bị. Đồng thời thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch khuyến công năm 2024.
Khuyến công tạo đà cho việc phát triển sản xuất
Năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là Trung tâm) đã đăng ký và xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024 với 1 đề án với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 1 tỷ đồng. Đó là Đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất viên gỗ nén năng lượng cho Công ty CP năng lượng xanh VINAFO.
Bên cạnh đó, chương trình khuyến công địa phương năm 2024 sẽ phối hợp với Đài PTTH, Báo Quảng Bình tổ chức công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước, biểu dương gương điển hình tiên tiến về sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) và Thương mại; Tư vấn hỗ trợ vốn khuyến công địa phương cho khoảng 13-15 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) với tổng kinh phí hỗ trợ ước đạt 1.800 triệu đồng hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất nội thất từ gỗ công nghiệp, chế biến dược liệu, xay xát và chế biến lúa gạo, sản xuất nem chả, sản xuất đồ gia dụng từ nhôm và inox…; Chỉ đạo triển khai Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2024.
Chị Nguyễn Mai Thủy chủ HTX dược liệu sạch Thủy Mai đóng trên địa bàn xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa tâm sự: Để phát triển mô hình chế biến dược liệu sạch với đa dạng các sản phẩm: cao cà gai leo, cao thìa canh, cao xạ đen, trà túi lọc cà gai leo, tía tô các loại… đơn vị đã chủ động đầu tư mua sắm các loại máy móc, hệ thống nấu, hệ thống tưới nước, vườn ươm… để phục vụ sản xuất. Trong những tháng đầu năm 2024 nhận được sự hỗ trợ về máy móc thiết bị và hỗ trợ thiết kế bao bì nhãn mác của Sở Công Thương, Trung tâm, đơn vị đã đầu tư hệ thống nồi nấu cao, cô cao dược liệu phục vụ sản xuất dược liệu sạch nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Đồng thời tạo chuổi liên kết thu mua sản phẩm cho người dân trồng và chăm sóc cây dược liệu, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn qua đó giúp ổn định phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Ông Đào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết: Năm 2024, việc triển khai công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp gặp nhiều thuận lợi. Dự kiện công tác khuyến công quốc gia và địa phương sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra và đạt kết quả tốt. Vì vậy đã khuyến khích và tạo đà cho việc phát triển sản xuất của các cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở CNNT gặp rất nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước đã triển khai thực hiện nhưng kết quả còn hạn chế. Một số chỉ tiêu trong hỗ trợ hoạt động khuyến công chưa đạt mục tiêu đề ra: số lượng cơ sở CNNT được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – TTCN giảm so với mục tiêu đặt ra vì mức hỗ trợ được điều chỉnh tăng theo quy định ban hành kèm theo Quyết định số 02/2023/QĐ-UBND ngày 12/01/2023; đào tạo nghề (Hiện nay đào tạo nghề được bố trí kinh phí từ Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nên hầu hết các cơ sở không đăng ký thực hiện).
Ngoài ra, hoạt động khuyến công ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn lúng túng, trong chỉ đạo, điều hành. Công tác tư vấn phát triển công nghiệp mới chỉ dừng lại ở nội dung tư vấn hỗ trợ về cơ chế chính sách, chưa tư vấn các công trình, dự án để có nguồn thu. Ngân sách địa phương bố trí cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, chưa đảm bảo để tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các nội dung và các lĩnh vực như theo yêu cầu của Chương trình khuyến công đề ra như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất. Không có cán bộ chuyên trách khuyến công cấp huyện nên chưa phát huy được vai trò trong tổ chức thực hiện từ cơ sở, chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên làm công tác khuyến công ở các cấp.
Nhiều giải pháp nhằm hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công
Để khắc phục những hạn chế và hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công năm 2024, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước và của tỉnh về chính sách khuyến công; tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan ban ngành cấp tỉnh và trung ương để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Phối kết hợp giữa các đơn vị thuộc Sở Công Thương với UBND, phòng Kinh tế, Kinh tế – Hạ tầng thành phố, huyện, thị xã và các cơ sở CNNT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh; giúp các cơ sở CNNT nhận thức được những thuận lợi từ chương trình khuyến công mang lại.
Đồng thời, tích cực đi sâu, sát cơ sở để nắm bắt những khó khăn vướng mắc của cơ sở, tuyên truyền vận động, tư vấn hướng dẫn cho chủ doanh nghiệp về pháp luật, khởi sự doanh nghiệp, kỹ thuật công nghệ đến các thông tin kinh tế, thị trường, giá cả…Ưu tiên hỗ trợ những đề án ứng dụng máy móc thiết bị, lồng ghép với hỗ trợ phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, thiết kế nhãn mác bao bì sản phẩm.
Tăng cường hỗ trợ, quảng bá giới thiệu sản phẩm các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường cho sản phẩm để giúp cơ sở CNNT lưu thông hàng hóa, phục hồi doanh thu để ổn định sản xuất kinh doanh. Tổ chức cho các chủ cơ sở, những người có tâm huyết với nghề nghiệp đi học tập, tìm hiểu thị trường và du nhập phát triển các ngành nghề mới mà địa phương có lợi thế về nguyên liệu, lao động và thị trường tiêu thụ.
Xúc tiến tìm kiếm công trình, dự án mới; mở rộng lĩnh vực tư vấn phát triển công nghiệp. Nâng cao năng lực công tác sản xuất sạch hơn qua các lớp đào tạo, tập huấn, học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu nghiên cứu qua Internet và qua các đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn