TCCT
Chiều 8/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Kế hoạch – Tài chính, Thị trường trong nước, Dầu khí và than; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Công nghiệp, Công Thương địa phương, Xuất Nhập khẩu, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Văn phòng Bộ Công Thương,…
Cùng tham gia với đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam.
Về phía tỉnh Quảng Ngãi có bà Bùi Thị Quỳnh Vân – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hoàng Giang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng đại diện các Sở, ban ngành địa phương.
Quảng Ngãi có tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ
Báo cáo về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi là địa phương có điều kiện, tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp biển, năng lượng và các ngành thương mại, dịch vụ.
Trên địa bàn tỉnh có 01 Khu kinh tế Dung Quất, diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha, hạt nhân phát triển là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, hiện đang được đầu tư nâng cấp mở rộng công suất lên 7,6 triệu tấn dầu thô/năm, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (công suất 6 triệu tấn/năm) và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (công suất thiết kế: 5,6 triệu tấn/năm).
Ngoài 03 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất đã đi vào hoạt động, trên địa bàn tỉnh còn có 02 khu công nghiệp: Quảng Phú (92,147ha); Phổ Phong (diện tích quy hoạch 157,38 ha) và 20 cụm công nghiệp giữ vai trò là khu, cụm công nghiệp vệ tinh cho Khu kinh tế Dung Quất.
Về hạ tầng thương mại, trên địa bàn tỉnh có: hiện có 145 chợ (03 chợ hạng 1, 09 chợ hạng 2 và 110 chợ hạng 3, 23 chợ tạm); 02 Trung tâm thương mại hạng 3; 08 siêu thị (02 siêu thị hạng 1, 01 siêu thị hạng 2 và 05 siêu thị hạng 3.
Xuất khẩu tăng tốc, công nghiệp bắt đầu phục hồi tích cực
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn và thuận lợi cùng đan xem tác động đến hoạt động phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh Quảng Ngãi nhưng nhìn chung thuận lợi là cơ bản, chủ yếu và nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, sự tập trung lãnh đạo của tỉnh và sự cố gắng nổ lực của cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động công nghiệp, thương mại tỉnh Quảng Ngãi vẫn giữ được đà tăng trường khá.
GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 28.300 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 15.279 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm ước giảm 4,32% so với cùng kỳ .
Về thương mại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng đầu CPI tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm ước đạt 45.029 tỷ đồng, đạt 58,6% so với kế hoạch năm 2024 (KH: 76.822 tỷ đồng) và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 1.597 triệu USD, đạt 64% kế hoạch năm (KH: 2.500 triệu USD) và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.475 triệu USD, đạt 67% kế hoạch năm (KH: 3.700 triệu USD) và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là dầu thô, sắt thép, máy móc, phụ tùng thay thế, bông, sợi, vải, nguyên phụ liệu… phục vụ nhu cầu sản xuất ở tỉnh.
“Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2024 có những dấu hiệu tích cực, đa số các ngành công nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã hồi phục sản xuất, trong đó có nhiều ngành tăng khá, ngành luyện thép tiếp tục là ngành góp phần lớn vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tỉnh.
Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực đã góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm Nhà máy lọc dầu Dung Quất thực hiện bảo dưỡng định kỳ tổng thể lần thứ 5 theo kế hoạch nên chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,32% so với cùng kỳ năm trước và đây là đều bình thường”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin.
Về triển khai thực hiện các đề án, dự án công nghiệp trọng điểm, hiện nay, Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh như: phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất; Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; các dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II và III thuộc Trung tâm Điện khí miền Trung; Đầu tư Công nghiệp hóa chất.
Tập trung xây dựng Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia
5 tháng cuối năm, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức triển khai thực hiện và phối hợp thực hiện các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thời kỳ 2021 – 2030; tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; gồm Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; Quy hoạch phát triển hạ tầng dữ trự, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh.
Tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương (Vụ Dầu khí và Than) trong việc xây dựng Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất. Ban hành Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, kiểm tra chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện công tác phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện, công tác vận hành của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất công nghiệp và hoạt động chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024; Kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương năm 2024.
Ngoài ra, tổ chức các hội nghị, hội thảo; thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, quảng bá, đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh vào các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối, tham gia hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sản xuất; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Chương trình làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nằm trong chuyến công tác, làm việc thực tế của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định trong các ngày 7-9/8, nhằm nắm bắt tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn các địa phương trên.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn