Thực phẩm Sao Ta (FMC): Hưởng lợi từ việc đồng Yên tăng giá, lãi ròng năm nay có thể tăng 24%

TCCT
Với việc Nhật Bản hiện là thị trường trọng điểm, kết quả kinh doanh nửa cuối năm nay của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) dự kiến sẽ hưởng lợi từ việc đồng Yên tăng giá trở lại.

Thực phẩm Sao Ta
Thực phẩm Sao Ta hiện là nhà xuất khẩu tôm Việt lớn nhất vào thị trường Nhật Bản.

Trong quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 1.243 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả trên đến từ việc doanh thu tôm trong kỳ đã tăng 21% với sản lượng tiêu thụ tăng 22% so với quý 2/2023, chủ yếu đến từ thị trường Nhật Bản.

Thực phẩm Sao Ta hiện là nhà xuất khẩu tôm Việt lớn nhất vào thị trường Nhật Bản. Mặc dù giá bán tôm của Thực phẩm Sao Ta sang thị trường Nhật Bản vẫn đang thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng biên lợi nhuận gộp của công ty trong quý 2/2024 vẫn được cải thiện mạnh mẽ, tăng thêm 4,7 điểm phần trăm.

Điều này đến từ tỷ lệ tự chủ tôm nguyên liệu của Thực phẩm Sao Ta đã tăng mạnh khi sản lượng tôm nguyên liệu tự nuôi tăng cao. Trong quý 1/2024, 200 ha vùng nuôi mới trong tổng số 525 ha vùng nuôi hiện tại của công ty đã được thu hoạch và số tôm này đã được bán trong quý 2/2024.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trong quý 2/2024 của Thực phẩm Sao Ta phần nào bị kìm hãm khi việc hoàn thuế chống bán phá giá chưa diễn ra do chưa có kết quả cuối cùng về vụ việc điều tra. Công ty cũng ghi nhận dự phòng thuế chống trợ cấp, khiến chi phí bán hàng tăng đáng kể.

Do đó, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận 72,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2024, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Về triển vọng kinh doanh nửa cuối năm nay, sản lượng tiêu thụ tôm của Thực phẩm Sao Ta được kỳ vọng sẽ tăng lên khi các thị trường trọng điểm bước vào mùa lễ hội cuối năm và nền kinh tế các nước tăng tốc phục hồi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.

Giá cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: “Thực phẩm Sao Ta (FMC) hé lộ chiến lược đối phó vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá từ Hoa Kỳ” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng xuất khẩu của Thực phẩm Sao Ta trong tháng 7/2024 duy trì mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, báo hiệu đà tăng trưởng đangg dần được củng cố.

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta cũng cho biết, mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhưng nhìn chung nửa cuối năm 2024 là “giai đoạn dễ thở hơn”.

Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Rồng Việt, giá bán tôm của Thực phẩm Sao Ta trong nửa cuối năm nay dự kiến sẽ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Thực phẩm Sao Ta còn hưởng lợi từ việc đồng Yên Nhật tăng giá trở lại.

Cụ thể, mặc dù Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu theo USD tại thị trường Nhật Bản nhưng tỷ giá Yên/USD tăng sẽ giúp công ty quy đổi được nhiều USD hơn và thu được về nhiều VND hơn. Do đó, công ty vẫn hưởng lợi trong bối cảnh tỷ giá Yên/VND tăng, theo Chứng khoán Rồng Việt. Hiện tỷ giá Yên/VND đang cao hơn 5% so với quý liền trước.

Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Rồng Việt dự báo doanh thu cả năm nay của Thực phẩm Sao Ta sẽ đạt 6.435 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ở mức 342 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 24% so với năm 2023.  

Nguồn: Tapchicongthuong.vn