TCCT
Việc hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics được các địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội, tạo đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa.
Hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics
Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 28/6, nhiều địa phương ở khu vực miền Trung cho biết đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cửa khẩu, hạ tầng kho bãi, cảng biển… với mong muốn mời gọi các nhà đầu tư.
Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam nằm ở vị trí thuận lợi về hệ thống hạ tầng giao thông với tuyến đường cao tốc, cảng biển nước sâu, sân bay,… cửa ngõ ra biển thuận lợi nhất là đối với hàng hoá của các tỉnh vùng Tây Nguyên, các địa phương thuộc vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia. Cùng với Trung tâm công nghiệp Khu kinh tế mở Chu Lai, các ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ phát triển, tỉnh Quảng Nam đang dần trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.
Hiện nay có khoảng hơn 200 doanh nghiệp đang thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua Cục hải quan Quảng Nam và qua từng năm kết quả xuất nhập khẩu đạt được những kết quả nhất định. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Nam giai đoạn 2021-2023 đạt 13,3 tỷ USD, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng gia công may mặc, giày, chíp điện tử, vật tư xây dựng…; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Linh kiện ô tô, linh kiện điện tử, nguyên liệu sản xuất gạch men, điện năng, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu,…
“Do vậy, việc hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics phục vụ sản xuất, tiêu thụ tại địa phương và xuất khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội, tạo đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh”, ông Minh nói.
Ông Huỳnh Tấn Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, việc xây dựng khu kinh tế biển, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ, thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa đối với các tỉnh khu vực miền Trung là hết sức thiết thực và ý nghĩa, là cơ hội lớn để các doanh nghiệp kết nối, hợp tác, đồng hành cùng phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Với Khánh Hòa, vị trí địa lý đặc thù đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Khánh Hòa có thế mạnh trong xuất khẩu thủy sản, nhiều sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh đáp ứng thị hiếu tiêu dùng cao tại thị trường các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dần được hình thành phát triển, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Tuy nhiên, hiện nay hàng hóa xuất khẩu của Khánh Hòa và Khu vực Tây Nguyên chủ yếu vận chuyển thông qua các cảng tại thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động kết nối, phân phối hàng hóa, xây dựng khu kinh tế biển, hiện đại hoá các hoạt động logistics của tỉnh Khánh Hòa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Khánh Hòa chưa có cảng biển phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa đóng trong container, chưa có Trung tâm logistics phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Hải phân tích.
Chính vì thế, để những hạn chế được khắc phục và có định hướng trong thời gian tới, Sở Công Thương Khánh Hòa đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành các chính sách cần thiết để phát triển dịch vụ logistics tại các địa phương, các vùng trên cả nước; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện khung pháp lý phát triển dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước các bộ ngành, địa phương. Chủ trì tổ chức các Hội nghị kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham dịch vụ logistics. Đồng thời, hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực với đội ngũ chuyên nghiệp, chuyên sâu phục vụ trong hoạt động logistics. Kết nối, đẩy mạnh thu hút tập đoàn, doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực đầu tư, phát triển Trung tâm logistics tại khu vực Vân Phong và thành phố Cam Ranh.
Đồng quan điểm, để thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ phát triển xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung, ông Phan Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành khu vực miền Trung tổ chức các hội nghị và đối thoại chuyên đề về kinh tế biển; phát triển hệ thống dịch vụ logistic; kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây theo tinh thần của Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Bộ Công Thương đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các địa phương
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương, trong đó có các địa phương khu vực miền Trung thực hiện nhiều hoạt động liên kết gồm cả liên kết vùng, liên vùng mang tính ổn định lâu dài và đạt hiệu quả. Tuy nhiên, việc liên kết vùng về xúc tiến thương mại vẫn còn những hạn chế nhất định như hệ thống về hạ tầng trong xúc tiến thương mại khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn yếu, tính liên kết chưa cao; các doanh nghiệp có sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu nhưng trong công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, tiếp thị xuất khẩu còn kém.
“Các địa phương khu vực miền Trung cần tích cực nghiên cứu, kết hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại đảm bảo tính hiệu quả; xây dựng chiến lược dài hạn dựa trên nghiên cứu về nhu cầu của doanh nghiệp, tận dụng tiềm năng các địa phương”, ông Tài nói và cho biết thêm, trong quá trình triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tích cực đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đạt hiệu quả nhất.
Theo ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp trình Chính phủ phát triển chiến lược các ngành hàng, các lĩnh vực như sữa, giấy, thép, ô tô, điện lực… Ban hành các quy định sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật tạo môi trường hoạt động tốt hơn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu.
Khơi thông sản xuất và phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu cũng nhu phục vụ thị trường trong nước. Cung cấp thông tin kịp thời, sát thực tế xu hướng của thị trường đến doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng; đẩy nhanh đàm phán các FTA mới; thông tin cập nhật thường xuyên các thông tin về thị trường nước ngoài gồm tiêu chuẩn, điều kiện ở thị trường nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn