Hà Nội: Dấu ấn 15 năm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt

TCCT
Trong 15 năm thực hiện Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đó là nhận định của bà Trần Thị Phương Lan – Nguyên Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội trong bài trả lời phỏng vấn dành riêng cho Tạp chí Công Thương.

PV: Xin bà cho biết những thành tựu đáng chú ý nhất của Hà Nội qua 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?

Bà Trần Thị Phương Lan: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một cuộc vận động mang ý nghĩa to lớn và quan trọng nhiều mặt. Hà Nội, với vai trò là một trong hai trung tâm kinh tế trọng điểm của đất nước, có sức ảnh hưởng và lan tỏa sâu rộng với sự phát triển kinh tế chung của khu vực phía Bắc, đã sớm triển khai cuộc vận động này vào thực tiễn.

Sau 15 năm triển khai, cuộc vận động gắn liền với tiến trình Thủ đô thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà NộiHà Nội và một số tỉnh có liên quan. Đến nay, tình hình chính trị, xã hội của Thủ đô ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; hội nhập quốc tế được tăng cường và mở rộng, vị thế Thủ đô tiếp tục được nâng cao.

Hà Nội: Dấu ấn 15 năm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt

Giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2011-2024 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,19%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (6,67%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà NộiHà Nội tăng trưởng khá, bình quân đạt 9,4%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 7,37%/năm; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 5,24%/năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội đã có sự giảm tốc. Năm 2010, chỉ số CPI tăng 9,56% so với năm 2009, đến 5 tháng đầu năm 2024, tăng 5,31% cùng kỳ so với năm 2023.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm được cải thiện. Năm 2009, Hà Nội đứng thứ 33, đến năm 2024, Hà Nộiđã vươn lên thứ 28. Kinh tế Thủ đô không chỉ tăng về lượng mà còn tăng cả về chất. Cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch tích cực. Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp – xây dựng tăng, lĩnh vực nông nghiệp giảm. Nếu như năm 2011, dịch vụ chiếm 63%; công nghiệp – xây dựng chiếm 20%; nông nghiệp chiếm 3,6%; thuế sản phẩm chiếm 13,4% thì đến năm 2023, ngành dịch vụ vẫn chiếm ưu thế với 64,06%; công nghiệp – xây dựng tăng lên 23,65%; nông nghiệp và thuế sản phẩm giảm còn 1,97% và 10,32%.

Kết quả này là minh chứng khẳng định sự nỗ lực của Thành phố trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.  Đây cũng chính là hiệu quả rõ rệt nhất của việc triển khai Cuộc vận động trong 15 năm qua.

PV: Trong thành tựu chung đó, Sở Công Thương Hà Nội đã có những giải pháp gì để kết nối đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt Nam?

Bà Trần Thị Phương Lan: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý, và trong đó, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để kết nối và đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt Nam. Các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện hiệu quả cuộc vận động bao gồm:

1. Hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử: Tháo gỡ khó khăn, triển khai cơ chế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên các sàn như Shopee, Lazada.

2. Liên kết vùng và kết nối tiêu thụ: Phối hợp với các tỉnh tổ chức liên kết vùng, quảng bá và tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP. Tổ chức các đoàn giao thương, khảo sát và ký kết hợp đồng tại các tỉnh thành trọng điểm, tổ chức các sự kiện hội chợ và triển lãm.

3. Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng: Thực hiện chương trình bình chọn hàng Việt, khuyến mại tập trung, tổ chức tuần hàng Việt tại ngoại thành và khu công nghiệp, phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

4. Thông tin và tuyên truyền: Phối hợp với báo chí tuyên truyền, cung cấp thông tin, giúp người tiêu dùng tiếp cận, tin tưởng và ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt. Các giải pháp trên đã góp phần khẳng định chất lượng hàng Việt, thúc đẩy sự phát triển bền vững của hàng Việt trên thị trường.

Hà Nội: Dấu ấn 15 năm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt

PV: Để đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động trong tình hình mới, theo bà Hà Nội cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số tham gia các chuỗi liên kết sản xuất – cung ứng – dịch vụ giá trị cao, tiêu dùng bền vững, ưu tiên sử dụng hàng hóa, nguyên vật liệu do Việt Nam sản xuất?

Bà Trần Thị Phương Lan: Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số tham gia các chuỗi liên kết sản xuất – cung ứng – dịch vụ giá trị cao, tiêu dùng bền vững, ưu tiên sử dụng hàng hóa, nguyên vật liệu do Việt Nam sản xuất, Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền về ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương. Tuyên truyền đến các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất về ý thức sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng, giá cả phù hợp, và thường xuyên thay đổi mẫu mã theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

2. Hỗ trợ liên kết và kết nối tiêu thụ sản phẩm: Thành phố Hà NộiHà Nội cùng các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho hoạt động giao thương và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ nông sản sản xuất kinh doanh trên địa bàn thông qua tổ chức các chương trình, hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, và tôn vinh sản phẩm Việt. Các đơn vị tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối và hợp tác với các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trong nước, và hỗ trợ xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon, Lotte, Central Group.

3. Xúc tiến thương mại: Tăng cường tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến với tham tán thương mại và các tổ chức quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước.

4. Hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Các sở ban ngành của thành phố tiếp tục phối hợp để tổ chức các hội nghị đối thoại và giao ban nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục liên quan đến vốn, thị trường, thuế, hải quan và các thủ tục hành chính thuộc các ngành như quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế. Có các chính sách ưu đãi dành cho các dự án phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số tham gia các chuỗi liên kết sản xuất – cung ứng – dịch vụ giá trị cao, tiêu dùng bền vững, ưu tiên sử dụng hàng hóa và nguyên vật liệu do Việt Nam sản xuất.

Thông qua các giải pháp trên, Hà Nội hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Tapchicongthuong.vn