Kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Viglacera (VGC) diễn ra chậm hơn so với dự kiến

TCCT
Vấn đề định giá tài sản, đặc biệt là định giá các bất động sản, đang là vướng mắc lớn nhất hiện nay trong quá trình thoái vốn của Bộ Xây dựng khỏi Tổng Công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC).

Tổng công ty Viglacera

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra hồi cuối tháng 5/2024, ban lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã cổ phiếu VGC – sàn HoSE) cho biết đang tiếp tục triển khai các thủ tục cho công tác thoái vốn Nhà nước tại tổng công ty theo chủ trương tại văn bản ngày 22/05/2023 của Bộ Xây dựng.

Xét về cơ cấu cổ đông, hai cổ đông lớn nhất hiện nay của Tổng Công ty Viglacera là Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex – công ty con của Tập đoàn GELEX (mã cổ phiếu GEX) và Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50,21% và 38,58%.

Theo cập nhật mới đây của SSI Research, theo lộ trình thoái vốn nhà nước, thời hạn để Tổng Công ty Viglacera kiểm kê quỹ đất, nợ và tài sản là ngày 30/6/2024. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không hoàn thành đúng tiến độ và Tổng Công ty Viglacera hoàn tất việc định giá đất được chuyển sang đến ngày 30/9/2024. Tổng Công ty Viglacera hiện dự kiến sẽ trình phương án thoái vốn lên Bộ Xây dựng trong quý 1/2025.

Việc định giá đất cũng là một trong những vướng mắc lớn nhất từ trước đến nay trong quá trình triển khai việc thoái vốn của Bộ Xây dựng khỏi Tổng Công ty Viglacera, khiến quá trình này nhiều lần bị kéo dài.

 Theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025, việc thoái vốn của Bộ Xây dựng khỏi Tổng công ty Viglacera phải hoàn thành trong giai đoạn 2022 – 2023.

Cuối năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết việc thoái vốn khỏi Tổng Công ty Viglacera diễn ra chậm chủ yếu do khối lượng công việc thẩm định giá lớn. Tổng Công ty Viglacera hiện có tổng cộng trên 40 đầu mối doanh nghiệp (bao gồm Công ty mẹ, 10 đơn vị phụ thuộc và trên 30 công ty con, công ty liên kết); hoạt động đa lĩnh vực (bất động sản; hạ tầng khu công nghiệp; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng) có nhiều đất đai dự án, tài sản, mỏ khoáng sản, quy mô vốn của doanh nghiệp khá lớn.

Riêng trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, Tổng Công ty Viglacera đang vận hành 12 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.000 ha.

Vì vậy, cần có thêm thời gian để xem xét hồ sơ kỹ lưỡng, thận trọng khi triển khai thực hiện – nhất là đối với các khoản đầu tư, góp vốn của Tổng Công ty Viglacera tại 2 Dự án tại Cuba (Dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp ViMariel – Công ty cổ phần Vimariel và Dự án liên doanh SANVIG).

giá cổ phiếu VGC Tổng công ty Viglacera

Xem thêm: “Tổng Công ty Viglacera (VGC): Nhà ở xã hội đem lại lợi thế lớn cho các khu công nghiệp” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bộ Xây dựng khẳng định, Tổng Công ty Viglacera không thể hoàn thành thoái vốn theo kế hoạch, cần có thêm thời gian để thực hiện. Do đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện thoái vốn tại Tổng Công ty Viglacera hoàn thành trong giai đoạn 2024 – 2025.

Liên quan đến vấn đề Bộ Xây dựng thoái vốn khỏi Tổng Công ty Viglacera, chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua, ban lãnh đạo Tập đoàn GELEX đã cho biết tập đoàn này hiện không ưu tiên đầu tư thêm vào Tổng Công ty Viglacera như một số đồn đoán trên thị trường.

Thay vào đó, tập đoàn kêu gọi đối tác có năng lực, kinh nghiệm, thương hiệu. Tập đoàn sẽ hỗ trợ để đối tác cùng phát triển Tổng Công ty Viglacera, ban lãnh đạo Tập đoàn GELEX cho biết.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Tập đoàn GELEX cũng tiết lộ tập đoàn này đã đầu tư vào Tổng Công ty Viglacera ở giai đoạn rất sớm với giá vốn trung bình khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu VGC. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/7, giá cổ phiếu VGC đạt 52.900 đồng/cổ phiếu.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn