Chương trình khuyến công đồng hành, hỗ trợ các Hợp tác xã phát triển

TCCT
Những năm qua, chương trình khuyến công đã đồng hành, hỗ trợ các Hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, đặc biệt ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Liên minh hợp tác xã Việt Nam là tổ chức hội đoàn thể ở Trung ương được Đảng, Nhà nước giao triển khai cụ thể hóa chương trình khuyến công nhằm: Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT); hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Đến nay, cả nước có 31.364 HTX và hiện có 120.983 tổ hợp tác, 133 liên hiệp HTX. Trong những năm gần đây, các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến mẫu mã, hoàn thiện tổ chức, quản lý sản xuất. Nhiều HTX đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, xây dựng và quảng bá thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với 300 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn kinh phi Khuyến công quốc gia năm 2022. HTX Thành Công Ea Lê, tỉnh Đắk Lắk mạnh dạn đầu tư máy xát gạo liên hoàn

Giai đoạn 2010 – 2023, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ HTX khoảng trên 20 tỷ đồng, bao gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.000 lao động nông thôn với số lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%; hỗ trợ trên 100 HTX xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ chi phí thuê gian hàng cho gần 1.000 HTX tham gia hội chợ CNNT tiêu biểu trong và ngoài nước; hỗ trợ các HTX tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý HTX, tham gia các hội thảo về cách phát triển sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để tăng sức hấp dẫn thị trường.

Những mục tiêu của hoạt động khuyến công đã và đang thực hiện được vai trò động viên và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển CNNT theo quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của quốc gia, vùng, tỉnh mang lại hiệu quả xã hội đáng kể.

Đặc biệt, hoạt động khuyến công bao gồm xây dựng mô hình kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tích cực tạo việc làm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp… đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất CNNT và phát triển văn hóa – xã hội, đặc biệt ở các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đồng thời, hoạt động khuyến công đã giúp HTX, các cơ sở CNNT mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đó, hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công hoạt động hiệu quả; hoạt động liên kết, phối hợp khá chặt chẽ, hiệu quả với các Trung tâm hỗ trợ HTX của Liên minh hợp tác xã 63 tỉnh, thành phố. Nhận thức của khu vực kinh tế tập thể HTX về vai trò, vị trí của hoạt động khuyến công ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các chính sách.

khuyến công

Tuy nhiên, về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX vẫn còn hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ như: Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp triển khai thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả. Nguồn lực phân bổ còn hạn chế, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh của các HTX còn khó khăn. Chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các HTX tập trung chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, trong khi HTX trong lĩnh vực khác cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ HTX nói chung tuy đã có nhưng chưa đủ mạnh, thiếu cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực cho HTX. Thủ tục tiếp cận nguồn kinh phí khuyến công quốc gia nhiều, nguồn hỗ trợ nhỏ.

Bên cạnh những hạn chế và khó khăn, từ thực tiễn thực hiện Chương trình khuyến công Liên minh HTX Việt Nam đã rút ra một số kinh nghiệm như: Tích cực, chủ động tổ chức tuyên truyền, thông tin trong toàn hệ thống Liên minh HTX Việt Nam về Chương trình khuyến công quốc gia; những chính sách hỗ trợ của nhà nước về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông dân, nông thông cho khu vực HTX.

Luôn lựa chọn, giao các đơn vị , cơ quan có đầy đủ năng lực, trách nhiệm để giao tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án khuyến công phù hợp với điều kiện của các địa phương, vùng miền cả nước. Các HTX được Liên minh HTX Việt Nam lựa chọn để triển khai đề án khuyến công đều được xem xét kỹ lưỡng từ cấp tỉnh; HTX được chọn tham gia là các đơn vị có đầy đủ điều kiện, năng lực, tiềm năng, lợi thế để thực hiện đề án.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn