Tập đoàn Sao Mai (ASM) nộp hồ sơ làm 2 dự án điện gió tại Trà Vinh

TCCT
Bên cạnh lĩnh vực điện gió, Tập đoàn Sao Mai (mã cổ phiếu ASM) còn đề xuất đầu tư vào lĩnh vực thủy sản, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Tập đoàn Sao Mai
Buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Trà Vinh với Tập đoàn Sao Mai.

Mới đây, ông Lê Văn Hẳn – Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã cổ phiếu ASM – sàn HoSE) để trao đổi về đề xuất đầu tư các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, thủy sản, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.

Ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai cho biết, tập đoàn đang có kế hoạch đầu tư một số dự án tại tỉnh Trà Vinh và đang chuẩn bị tiến hành công tác nghiên cứu, khảo sát một số lĩnh vực tại địa phương. Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai cũng nhấn mạnh mục tiêu trở thành nhà đầu tư chiến lược của tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.

Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai cũng cho biết, tập đoàn đã nộp hồ sơ đề nghị thực hiện dự án Nhà máy điện gió V1-1 giai đoạn 2 và Nhà máy điện gió V3-8 tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Văn Hẳn chia sẻ tỉnh Trà Vinh đang định hướng trở thành trung tâm năng lượng sạch của vùng Đồng bằng sông Cửu long; đồng thời tập trung đẩy mạnh kinh tế biển với các ngành như công nghiệp biển và ven biển, khai thác, nuôi trồng thủy – hải sản và du lịch biển.

Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh có thế mạnh lớn về tôm nhưng chưa được đầu tư nhà máy chế biến tôm công suất lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu . Lĩnh vực nhà ở, du lịch, nhà hàng khách sạn của tỉnh cũng có nhiều tiềm năng, cần được đầu tư một cách bài bản và quy mô hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói.

Theo đó, ông Lê Văn Hẳn mong muốn, dựa trên kinh nghiệm và lợi thế kinh doanh, Tập đoàn Sao Mai sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh Trà Vinh có lợi thế dựa.

Với các lĩnh vực mà Tập đoàn Sao Mai quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã giao các sở, ngành liên quan làm đầu mối gắn kết, giữ liên hệ để hỗ trợ tập đoàn tìm hiểu, đánh giá cơ hội đầu tư tại tỉnh.

Tập đoàn Sao Mai hiện hoạt động đa ngành, kết quả kinh doanh chủ yếu đến từ mảng thương mại cá tra và phụ phẩm cá tra (chiếm khoảng 80% tổng doanh thu hàng năm), năng lượng mặt trời (chiếm khoảng 5%) và bất động sản (chiếm khoảng 5%) và du lịch.

Giá cổ phiếu ASM Tập đoàn Sao Mai
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu ASM của Tập đoàn Sao Mai trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: “Tập đoàn Sao Mai (ASM): Được cấp hơn 2.000 tỷ đồng, mở rộng nhiều mảng kinh doanh” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tập đoàn này hiện có tổng cộng 12 công ty con, trong đó nổi bật là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI (mã cổ phiếu IDI) – một trong những doanh nghiệp chế biến & xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước. Hiện Tập đoàn Sao Mai chi phối 51,23% tỷ lệ biểu quyết tại IDI.

Vừa qua, Tập đoàn Sao Mai đã ký hợp đồng tín dụng hợp vốn lên đến 2.000 ty đồng với Ngân hàng First Commercial Bank (Hội sở) có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) nhằm phục vụ việc phát triển các lĩnh vực kinh doanh như xây dựng, nuôi trồng, chế biến thủy sản,… và đặc biệt là phát triển mảng điện mặt trời và điện gió.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai cho biết, trong năm nay, tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng năng lượng tái tạo với mục tiêu nâng doanh thu mảng này lên gấp đôi, vượt mức 1.000 tỷ đồng/năm trong thời gian tới với trọng tâm là phát triển mới các dự án điện mặt trời và điện gió.

Hiện nay, Tập đoàn Sao Mai đang khai thác 2 Nhà máy Điện mặt trời An Hảo (210 Mwp) tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang và Nhà máy Điện mặt trời Euriplast Long An (50 Mwp) tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn