Cuộc đua các sàn thương mại điện tử: TikTok Shop chưa thể lật đổ ngôi vương của Shopee

TCCT
Dù vươn lên mạnh mẽ và dần bỏ các đối thủ khác “ngậm ngùi” theo sau, TikTok Shop vẫn còn cách ngôi vương khá xa khi Shopee tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc trong “cuộc đua” thương mại điện tử.

5 sàn thương mại điện tử thu về 156.000 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2024

Cuộc đua của các sàn thương mại điện tử
Theo Metric, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử ước đạt 156.000 tỷ đồng

Theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop ước đạt 156.000 tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD. Trong đó, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu, đạt 67,9% thị phần.

Cụ thể, vào hồi quý I/2024 doanh thu bán lẻ trên 5 sàn đạt 71.200 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream), tăng 78,6% so với quý I/2023, chưa bao gồm các phiên livestream. 

Như vậy, con số tăng trưởng này cũng vượt xa so với dự báo doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023. 

Trong đó, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần. Xếp thứ 2 là TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (chiếm 1,3%).

Từ quý II/2024, nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric dự báo mùa cao điểm kinh doanh của thị trường sẽ trên đà tăng tốc, với tốc độ tăng 19,2% so với quý I/2024, tương đương tăng khoảng 78% so với quý II/2023. Những tháng còn lại của 2024, thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục có những tín hiệu tăng trưởng tích cực.

TikTok Shop trỗi dậy mạnh mẽ, Shopee khẳng định vị thế vững chắc

Năm 2023 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của TikTok Shop trước các đối thủ. Xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 4/2022, TikTok Shop hiện đã có mặt trên nhiều bảng xếp hạng nền tảng thương mại điện tử với thứ hạng vượt trội. 

Nhìn lại hành trình của TikTok Shop, tính từ thời điểm ra mắt cho tới cuối năm 2022, báo cáo của Metric cho thấy mức doanh thu của TikTok Shop vào tháng 11/2022 gấp hơn 4 lần doanh thu của Tiki và tương đương 80% doanh thu của Lazada. 

Sau 1 năm, TikTok Shop đã nhanh chóng nâng thị phần doanh thu từ 3% vào quý III/2022 lên 16%, ghi nhận doanh thu 10.122 tỷ đồng. Tổng doanh thu của TikTok Shop còn cách khá xa so với Shopee (đạt mức 43.713 tỷ đồng vào quý III/2023) nhưng đã vượt mặt Lazada ở khoảng cách dài, sau khi lần đầu tiên vượt “con cưng” của Alibaba vào quý II/2023.

Từ tháng 12/2023 đến hết tháng 3/2024, trên TikTok Shop cũng đã xuất hiện thêm hơn 13.000 nhà bán hàng TikTok Shop Mall (chính hãng).

Tại Hội nghị TikTok Shop Summit 2024, nền tảng TikTok công bố đã thu hút được 2,8 triệu doanh nghiệp từ các quy mô vừa và nhỏ đến siêu nhỏ tham gia. Số lượng các nhà bán hàng có GMV (tổng giá trị hàng hoá) ổn định đã tăng gấp ba, trong khi lượt xem các phiên livestream và video ngắn trên nền tảng này đã tăng tới 12 lần. 

Cuộc đua của các sàn thương mại điện tử
Hội nghị TikTok Shop Summit 2024.

Trong khi đó, Shopee vẫn khẳng định vị thế vững chắc và chiếm hữu thị phần lớn trong thị trường mặc dù các có rất nhiều lựa chọn mua sắm trong hàng ngàn ứng dụng trên thị trường thương mại điện tử. 

Để đạt được điều này, phải kể đến những chiến lược phát triển của Shopee, từ việc củng cố khả năng dịch vụ cho đến cung cấp các tùy chọn thanh toán linh hoạt, hay tiếp tục có những nâng cấp nền tảng để thu hút những khách hàng thuộc thế hệ Gen Z.

Shopee đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình để tăng cường năng lực hậu cần trên khắp Đông Nam Á. Điều này bao gồm việc triển khai các dịch vụ giao hàng tức thì ở Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Họ cũng có kế hoạch cung cấp khả năng hiển thị nâng cao trong việc theo dõi giao hàng và bổ sung thêm nhiều điểm thu mua để mang đến cho người tiêu dùng sự thuận tiện hơn.

Cũng theo các chuyên gia, hiện nay Shopee, TikTok Shop gần như thống lĩnh thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, khi chiếm hơn 91% thị phần, các sàn còn lại như Lazada, Tiki, Sendo… chỉ còn lặng lẽ theo sau và chấp nhận để 2 ông lớn tự do giành giật thị phần.

Shoppertainment – Xu hướng nổi bật của thương mại điện tử hiện nay

Cuộc đua của các sàn thương mại điện tử
Shoppertainment – Xu hướng nổi bật của thương mại điện tử hiện nay.

Đáng chú ý, góp phần vào sự thành công trong “cuộc đua” thương mại điện tử này, điểm chung của Shopee và TikTok Shop chính là triển khai hình thức shoppertainment (mua sắm thương mại điện tử kết hợp với giải trí).

Mới đây nhất vào hôm 12/4, ca sĩ/diễn viên Diệp Lâm Anh – người gần đây thu hút chú ý sau khi tham gia chương trình “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” – đã thực hiện một phiên live kéo dài tới 36 tiếng trên TikTok Shop, thu về hơn 35 tỷ đồng, tức là mỗi tiếng trôi qua đạt gần 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phương Lâm – trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của YouNet ECI – đánh giá tăng trưởng của TikTok Shop tại Việt Nam với hình thức Shoppertainment (hình thức mua sắm kết hợp giải trí) là động lực chính giúp thương mại điện tử Việt Nam giữ đà tăng trưởng tiến tới 2025.

Về phía Shopee, nền tảng này đã cam kết phát triển hơn nữa các tính năng hiện có như Shopee Live để cung cấp nội dung hấp dẫn và giàu thông tin nhằm làm sinh động hành trình mua sắm của họ.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nội dung hấp dẫn, ngắn gọn và đặc biệt là cạnh tranh với đối thủ tiềm năng TikTok Shop, Shopee cũng ra mắt một tính năng mới, Shopee video tại Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philippines, cho phép người dùng kết nối với những người sáng tạo nội dung họ yêu thích.

Ngoài ra, nền tảng này đang tăng gấp đôi nỗ lực để mở rộng mạng lưới liên kết và cải tiến thị trường người có tầm ảnh hưởng (KOL). Các cải tiến bao gồm hệ thống lọc và đề xuất phức tạp hơn nhằm hợp lý hóa quá trình khám phá và cộng tác với các KOL. Những nỗ lực này được thiết kế để giúp các thương hiệu tạo ra các chiến dịch có tác động mạnh mẽ hơn, gây được tiếng vang với người tiêu dùng.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn