Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 5 nhóm giải pháp để Kon Tum khai thác tối đa tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng

TCCT
Đánh giá tỉnh đã nhận thấy và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 5 giải pháp trọng tâm mà Kon Tum cần chú trọng trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, công nghiệp, thương mại trên địa bàn thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Kon Tum chiều 7/8

Kon Tum đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng

Kết luận tại buổi làm việc với tỉnh Kon Tum chiều 7/8, thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị của UBND tỉnh Kon Tum trong việc chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn công tác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh; tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và có bản sắc văn hóa đặc trưng lâu đời của đồng bào các dân tộcvùng Tây Nguyên.

Với những lợi thế có gần 300 km đường biên với 2 nước bạn Lào và Campuchia; có Cửa khẩu quốc tế Bờ Y – nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia; là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông – Tây… nên Kon Tum có thế mạnh phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực về: giao thương hàng hóa, dịch vụ logistis, kinh tế biên mậu; nông nghiệp giá trị cao gắn với các sản phẩm đặc thù (như cà phê, cao su, hạt mắc-ca, sâm Ngọc Linh, cây dược liệu); du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; năng lượng tái tạo (như thủy điện, điện gió, điện mặt trời…).

Thời gian qua, tỉnh đã nhận thấy và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp (hiện chiếm gần 90% GRDP). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ số chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh đều có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước và cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP tăng 6,47% (cả nước tăng 6,42%), đứng thứ nhất trong Vùng và thứ 30 cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,57% (cả nước tăng 7,72%), đứng thứ nhất trong vùng và thứ 28 cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 12,1% (cả nước tăng 8,6%), đứng thứ tư trong Vùng và thứ 51 cả nước; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 16,42% so với cùng kỳ…

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và cả nước, những kết quả nêu trên là rất đáng khích lệ, góp phần vào thành tựu chung của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực Công Thương tỉnh Kon Tum vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn khó khăn.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp quy mô còn nhỏ, thiếu tính đột phá (nhất là trong công nghiệp chế biến); chưa thu hút được các dự án sản xuất quy mô lớn có tính động lực, lan tỏa, thúc đẩy các ngành khác phát triển.

Quy mô xuất khẩu còn khiêm tốn (đứng thứ 58/63 cả nước và thấp nhất Vùng); cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng thô, sơ chế, cho nên giá trị gia tăng không cao.

Thị trường nội địa sức mua thấp (phần nào do quy mô dân số nhỏ, đứng thứ 61 cả nước, trong đó khoảng 55% là người dân tộc thiểu số). Hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều và còn hạn chế. Hơn nữa, kinh tế cửa khẩu chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, quy mô hàng hóa xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y còn thấp.

Hạ tầng dịch vụ logistics chưa được đầu tư xứng tầm với vai trò là trung tâm trung chuyển, kho vận quy mô của khu vực và quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang phát biểu tại buổi làm việc.

5 giải pháp phát triển lĩnh vực Công Thương tại địa phương

Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh đã đề ra thời gian tới, dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Kon Tum chú trọng triển khai một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Trước hết, đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định có liên quan về giá đất, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; các quy định mới về giảm 2% thuế VAT, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất…

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là tập trung rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang và sẽ triển khai trên địa bàn; rà soát, tháo gỡ các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc tại Kon Tum
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 5 giải pháp để Kon Tum phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Thứ hai, đề nghị tỉnh chủ động rà soát, trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tỉnh, bảo đảm phù hợp, liên thông với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và đặc biệt là các Quy hoạch ngành quốc gia. Đồng thời rà soát, bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với Quy hoạch tỉnh, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch 44 dự án nguồn điện gồm: 02 dự án điện gió trên bờ; 42 dự án thủy điện nhỏ); 5MW điện sinh khối; 7MW điện mặt trời mái nhà; 16 dự án lưới điện, 17 điểm mỏ khoáng sản (vàng, đồng, sắt, khoáng nóng…). Tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho Quy hoạch năng lượng và khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Muốn vậy, tỉnh Kon Tum cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; đồng thời, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; và các khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp chế biến nông – lâm sản, dược liệu, nhất là phát triển công nghiệp chế biến sâu sâm Ngọc Linh theo chuỗi từ sản xuất, trồng thu hoạch, chế biến và phân phối, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chú trọng phát triển năng lượng sạch và phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với lợi thế sẵn có của địa phương để phục vụ các ngành công nghiệp thuộc các lĩnh vực như: cao su, nhựa, linh kiện điện tử, da giày

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics và các lĩnh vực có tính kết nối trong chuỗi giá trị với các tỉnh, thành phố lân cận để phát huy lợi thế về địa kinh tế của Kon Tum.

Đại diện các đơn vị trả lời nội dung kiến nghị của địa phương

Đại diện các đơn vị trả lời nội dung kiến nghị của địa phương

Ngoài ra, có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây truyền sản xuất và phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh nhằm từng bước phát triển phát triển các ngành công nghiệp hiện đại và các ngành công nghiệp có tính nền tảng (như công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, sửa chữa động cơ phục vụ công nghiệp chế biến, hóa chất…), tạo nền tảng vững chắc và đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt phát triển kinh tế địa phương.

Chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các đối tượng liên quan tham gia thị trường hoán đổi chứng chỉ carbon, phát huy thế mạnh rừng và sản xuất nông nghiệp xanh của tỉnh. Có một vấn đề cần lưu ý trong định hướng sản xuất và xuất khẩu của tỉnh chú ý đến quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) sẽ được áp dụng từ tháng 01/2025 đối với nhà nhập khẩu lớn và từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ; theo đó châu Âu sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng thuộc 7 nhóm hàng nông sản (chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ). Như vậy, với tỉnh Kon Tum là một trong 6 tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, có 3 mặt hàng chủ đạo sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này là: cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Thứ năm, Bộ trưởng đề nghị tỉnh chú trọng rà soát Quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất đạt chuẩn để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế; triển khai có hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng. Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại gồm cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh tại buổi làm việc hôm nay, bao gồm 7 kiến nghị chính thuộc các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và logistics…, Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Kon Tum sớm các văn bản gửi các đơn vị, Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng tỉnh gỡ khó các khó khăn, vướng mắc để tỉnh phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn