TCCT
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ và tham gia nhiều hoạt động, chương trình làm việc khác.
Hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Ngày 01/8/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ đón chính thức do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì tại Phủ Tổng thống và dự Hội đàm giữa hai Thủ tướng.
Tại Hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi thân tình của Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Thủ tướng Narendra Modi, Lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ, chân thành cảm ơn Lãnh đạo Ấn Độ đã gửi lời chia buồn và cử Cố vấn An ninh Quốc gia sang viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo mẫu mực, xuất sắc, suốt đời vì nước, vì dân của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thông báo Thủ tướng Ấn Độ về tình hình Việt Nam thời gian gần đây, các định hướng chính sách lớn của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ gửi đến Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lời chúc mừng thắng lợi của Chính phủ Thủ tướng Modi và Đảng BJP trong cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 18. Chúc mừng những thành tự to lớn mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia có ảnh hưởng quan trọng tại khu vực và thế trên thế giới.
Thủ tướng Ấn Độ trân trọng cảm ơn và chào mừng nồng nhiệt tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, một trong những Lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ kể từ khi Chính phủ nhiệm kỳ thứ 3 của Thủ tướng Narendra Modi tái cử; khẳng định cam kết phát triển toàn diện mối quan hệ hợp tác Đối tác Chiến lược Toàn diện hai nước.
Tại Hội đàm, hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng, chân thành và tin cậy về các nội dung hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ được bắt nguồn từ lịch sử, được các thế hệ Lãnh đạo tiền bối và nhân dân hai nước dày công vun đắp, hai nước cần tiếp tục trân trọng và gìn giữ tình hữu nghị truyền thống bền chặt, tài sản quý giá giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Hai Thủ tướng hài lòng nhận thấy kể từ khi xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016 trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi đến nay, quan hệ hai nước đã có những bước tiến vượt bậc, với tin cậy chính trị cao, hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng – an ninh, kinh tế – thương mại và đầu tư, văn hóa – giáo dục và giao lưu nhân dân đều đạt thành tựu đáng khích lệ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhất trí củng cố hơn nữa các lĩnh vực hợp tác truyền thống và mở rộng sang các lĩnh vực mới tiềm năng với phương châm “Năm hơn”, bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng và an ninh sâu sắc hơn, hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn, giao lưu văn hóa, nhân dân kết nối mật thiết hơn.
Riêng đối với lĩnh vực kinh tế-thương mại, hai Thủ tướng nhất trí triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại, đầu tư hai chiều tăng gấp đôi so với mức hiện nay vào năm 2030. Hai bên nhất trí và giao cơ quan hữu quan hai bên thông qua cơ chế hiện có, thường xuyên trao đổi nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại cũng như đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Ấn Độ xem xét tích cực đề xuất của các doanh nghiệp Việt Nam về cấp mới/gia hạn giấy chứng nhận Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) cho các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, đề nghị sớm ký Hiệp định về Thương mại điện tử, Hiệp định Thương mại song phương để khai thác tối đa thị trường bán lẻ phù hợp với xu thế mới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khuyến khích các tập đoàn lớn, tỷ phú công nghệ của Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư, tạo ra những dự án lớn mang tính biểu tượng của hợp tác kinh tế hai nước, đón luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng và giúp hai nước tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Narendra Modi và Chính phủ Ấn Độ đã dành sự tiếp đón nồng hậu, trọng thị và mời Thủ tướng Narendra Modi thăm lại Việt Nam trong thời gian tới.
Sau hội đàm, hai bên đã chứng kiến lễ trao 9 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực y tế, pháp luật và tư pháp, ngoại giao, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học nông nghiệp, phát thanh và truyền hình, du lịch, văn hóa, Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 2024-2028, trong đó có việc tuyên bố Việt Nam sẵn sàng tham gia và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để chính thức gia nhập Liên minh quốc tế về năng lượng mặt trời (ISA).
Nhân chuyến thăm lần này, Lãnh đạo Chính phủ hai nước đã ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Ấn Độ, thể hiện nhận thức chung của Lãnh đạo hai Bên trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện theo hướng sâu sắc, hiệu quả, thiết thực hơn nữa vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) do Ấn Độ sáng kiến thành lập từ năm 2015 bên lề Hội nghị COP21 tại Paris, Pháp. ISA đã chính thức được thành lập vào tháng 3 năm 2018 với mục tiêu chính là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia có tiềm năng về năng lượng mặt trời, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ liên quan đến phát triển năng lượng mặt trời.
Tiếp và làm việc với các Lãnh đạo Tập đoàn Adani Ấn Độ
Trước đó, bắt đầu chuyến thăm, sáng ngày 31/7/2024, tại thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani.
Tập đoàn Adani là một trong những Tập đoàn lớn nhất của Ấn Độ, có hoạt động trong các lĩnh vực, bao gồm: đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh kết quả hoạt động kinh doanh và tầm nhìn của Tập đoàn Adani trong thời gian qua. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ và Tập đoàn Adani.
Tại buổi làm việc, sau khi giới thiệu về Tập đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Adani đã báo cáo về các dự án đầu tư của Adani tại Việt Nam và tiềm năng, cơ hội hợp tác trong tương lai, đặc biệt là đối với tại dự án Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng, Cảng hàng không Chu Lai, Nhà máy điện Vĩnh Tân 3. Adani mong muốn phía Việt Nam tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục pháp lý những dự án này… Bên cạnh đó, thông qua Công ty Năng lượng Adani (APL), Tập đoàn Adani cũng bày tỏ quan tâm và mong muốn đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Phản hồi các đề xuất của Adani, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đánh giá cao và hoan nghênh Tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, là hạ tầng năng lượng, giao thông, logictic. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Tập đoàn đã bàn là phải làm và phải bàn cụ thể công việc để rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm và đã cam kết là phải thực hiện, để thúc đẩy các dự án.
Riêng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng cho biết để hướng tới nền kinh tế xanh, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi năng lượng để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đưa phát thải ròng về 0, Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các Tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển bền vững. Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với 04 mục tiêu chính là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu vùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã chia sẻ và trực tiếp phản hồi đối với các đề xuất của Adani trong lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo; hoan nghênh sự quan tâm và mong muốn đầu tư của Adani vào Việt Nam trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện như điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi…; giảm sử dụng nguồn điện than; đề xuất các phương án thay thế bằng các nguồn điện như điện gió và điện sinh khối; đến năm 2050, phần lớn các nhà máy điện khí tự nhiên sẽ sử dụng hydrogen xanh…
Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công Thương, EVN và các Bộ, ngành địa phương liên quan như Đà Nẵng và Quảng Nam tiếp tục trao đổi, làm việc với Tập đoàn Adani.
Lễ khánh thành trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ
Chiều cùng ngày 31/7, tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ Khánh thành trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã cắt băng khánh thành trụ sở mới của Đại sứ quán. Công trình tọa lạc trên diện tích gần 3.500m² tại khu vực Chanakyapuri, trung tâm thủ đô New Delhi, bao gồm hai hạng mục là Trụ sở làm việc và Nhà ở cho cán bộ nhân viên Đại sứ quán, với tổng số diện tích sàn gần 6.000 m2 kể cả tầng hầm. Hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ đi cùng sẽ hỗ trợ quan trọng trong việc xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng và chăm lo cho công tác ngoại giao, cả về năng lực, trí tuệ và cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chế độ cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực các Bộ, ngành, đơn vị của Việt Nam và cảm ơn Chính phủ Ấn Độ đã hỗ trợ tích cực để trụ sở mới đi vào hoạt động, phục vụ công tác đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Với trụ sở làm việc khang trang, Thủ tướng tin tưởng, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán sẽ có thêm động lực, cảm hứng để làm tốt các nhiệm vụ đối ngoại, góp phần tăng cường Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ, cũng như đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ tại trụ sở của Đại sứ quán. Thủ tướng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ vào những thành tựu của đất nước thời gian qua và khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn cấp cao Việt Nam tới Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ nói riêng và tới Ấn Độ nói chung sẽ mang tới một xung lực mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ, đồng thời mở ra những triển vọng mới cho sự phát triển bền vững của cả hai nước, đặc biệt trong trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động và thách thức.
Lễ công bố đường bay mới Việt Nam – Ấn Độ
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cùng Thủ tướng Chính phủ chứng kiến công bố mở đường bay mới Việt Nam – Ấn Độ của Vietjet. Đường bay mới kết nối Đà Nẵng, Việt Nam với thành phố Ahmedabad, Ấn Độ.
Hiện nay, giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có 54 chuyến bay thẳng hàng tuần. Đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng nhanh bậc nhất thời gian qua. Việc thúc đẩy các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh, du lịch; thúc đẩy việc đi lại giữa hai nước.
Các đường bay thẳng hiện đang kết nối Hà Nội, TP. HCM với các đô thị hàng đầu của quốc gia 1,4 tỉ dân Ấn Độ là New Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Kochi, Tiruchirappalli cũng như các điểm đến nổi tiếng Bodh Gaya, Varanasi… Đường bay kết nối TP. Ahmedabad của Ấn Độ với Đà Nẵng sẽ phục vụ hành khách từ tháng 10/2024.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn