Cao su Đà Nẵng (DRC): Hưởng lợi tỷ giá, lãi quý 2 tăng 52%

TCCT
Kênh xuất khẩu hiện chiếm tới 65 – 70% tổng doanh thu của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC). Trong khi đó, nguyên vật liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 35% tỷ trọng chi phí nên công ty đang trong trạng thái xuất siêu, hưởng lợi tối đa từ việc tỷ giá neo cao.

Cao su Đà Nẵng
Cao su Đà Nẵng hiện đang là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh săm lốp hàng đầu tại Việt Nam.

Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC – sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 1.364 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ cải thiện đáng kể từ mức 12,5% lên 20%.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Cao su Đà Nẵng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 đạt 77,4 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.

Ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết, lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực chủ yếu nhờ chính sách bán hàng của công ty; đồng thời hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá từ đầu năm đối với hoạt động xuất khẩu.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc Cao su Đà Nẵng đã cho biết việc tỷ giá tăng cao có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của công ty. Hiện kênh xuất khẩu hiện đóng góp tới 65 – 70% tổng doanh thu của Cao su Đà Nẵng.

Trong khi đó, nguyên vật liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 35% tỷ trọng chi phí nên công ty đang xuất siêu và hưởng lợi tối đa từ việc tỷ giá tăng. Bên cạnh đó, công ty đã thay thế hoàn toàn cao su thiên nhiên nhập khẩu bằng nguồn cao su trong nước để sản xuất lốp ô tô Radial, vừa góp phần chủ động kế hoạch sản xuất vừa tiết giảm đáng kể giá thành sản phẩm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Cao su Đà Nẵng ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.337 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 126,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 67% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 44,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Giá cổ phiếu DRC Cao su Đà Nẵng
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: “Cao su Đà Nẵng (DRC): Hưởng lợi từ tỷ giá tăng, công suất nhà máy lốp Radial có thể đạt 1,2 triệu lốp/năm” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Chia sẻ về triển vọng kinh doanh thời gian tới, đặc biệt là về hai thị trường trọng điểm là Brazil và Mỹ, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt cho biết, nếu đáp ứng được nhu cầu của riêng thị trường Mỹ thì sản lượng tiêu thụ của công ty sẽ tăng gấp 2,3 lần so với hiện nay.

Đối với thị trường Brazil, mặc dù nước này đã tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm lốp nhập khẩu kể từ năm 2023 làm giá thành sản phẩm khi nhập khẩu vào Brazil tăng cao, sản phẩm của Cao su Đà Nẵng vì thế cũng khó cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, với chất lượng sản phẩm đã được khách hàng ghi nhận và đánh giá cao, sản lượng xuất khẩu của công ty sang Brazil vẫn được duy trì, Tổng Giám đốc Cao su Đà Nẵng nói.

Theo đánh giá mới đây của SSI Research, thị trường Brazil được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng công suất hoạt động của nhà máy lốp PCR lên mức 75% – 84% trong năm nay và đạt 100% vào năm sau. Cao su Đà Nẵng hiện đang là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh săm lốp hàng đầu tại Việt Nam.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn