TCCT
Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) đánh giá nếu tổ chức hoạt động thu mua tốt thì lượng cao su tự nhiên thu mua có thể lên đến 100.000 tấn/năm.
Vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR – sàn HoSE) đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác thu mua mủ cao su toàn tập đoàn giai đoạn 2020 – 2023.
Tại Hội nghị, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam đã đánh giá hiện trạng tình hình tổ chức hoạt động thu mua mủ cao su của tập đoàn; phân tích những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thu mua; tham mưu, kiến nghị những giải pháp cho hoạt động thu mua; chia sẻ kinh nghiệm hay, hiệu quả giữa các đơn vị và định hướng mở rộng hoạt động thu mua mủ cao su.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Dương Tuấn Anh – Phó Trưởng Ban Thị trường kinh doanh Cao su Việt Nam cho biết, công tác thu mua mủ cao su toàn tập đoàn trong những năm qua đã đạt được kết quả nhất định, góp phần đáng kể vào kết quả sản xuất kinh doanh chung, và thể hiện vai trò vị thế có ý nghĩa kinh tế, xã hội trên địa bàn, được chính quyền và nhân dân ủng hộ, đánh giá cao.
Hiện nay, có 37 đơn vị thành viên tổ chức trực thuộc Cao su Việt Nam tổ chức thu mua mủ cao su. Trong đó, khu vực Đông Nam bộ có 13 công ty; khu vực Tây Nguyên có 10 công ty; khu vực Duyên hải miền Trung có 5 công ty; khu vực Miền núi phía Bắc có 2 công ty. Tại thị trường nước ngoài, Cao su Việt Nam đang có 4 công ty tại Campuchia và 2 công ty tại Lào tổ chức thu mua mủ cao su.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, cao su tiểu điền do các hộ nông dân trồng nhỏ lẻ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 60% tổng lượng mủ cao su được khai thác trên toàn diện tích cao su của cả nước.
Do đó, việc tổ chức tốt việc thu mua cao su từ các hộ nông dân sẽ tạo ra nguồn cung ổn định cho Cao su Việt Nam, giúp tận dụng tối đa công suất của các đơn vị thành viên, nhất là trong bối cảnh Cao su Việt Nam đang dần chuyển đổi các vườn trồng cao su thành đất khu công nghiệp.
Ông Trần Thanh Phụng – Phó Tổng Giám đốc Cao su Việt Nam nhận định, nếu tổ chức và duy trì tốt hoạt động thu mua thì sản lượng thu mua mủ cao su hàng năm có thể đạt được 100.000 tấn. Năng lực chế biến của các nhà máy trong tập đoàn nếu phát huy hết công suất vẫn có thể chế biến lên đến 200.000 tấn/năm.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) vừa dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu trong năm nay có thể lên tới 1,24 triệu tấn.
ANRPC cho biết, người dân trồng cao su tại nhiều nước, đặc biệt là ở các nước sản xuất cao su truyền thống như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, tiếp tục cho thấy tín hiệu chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại. Đồng thời, điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina cùng với bệnh rụng lá đang tác động tiêu cực đến nguồn cung cao su toàn cầu.
ANRPC cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600 – 800.000 tấn/năm.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã thúc đẩy giá cao su trên thị trường thế giới duy trì đà tăng tích cực kể từ cuối năm 2023 đến nay. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, tính đến tháng 6/2024 giá cao su xuất khẩu đã tăng tháng thứ 9 liên tiếp với mức tăng từ 2 – 4%/tháng.
Cao su Việt Nam cho biết, giá cao su trung bình trong 5 tháng đầu năm 2024 của tập đoàn ước đạt 38,4 triệu đồng/tấn, tăng 6 triệu đồng/tấn tương ứng tăng gần 17% so với mức trung bình cả năm 2023.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn