TCCT
Giá tiêu hôm nay tiếp tục giảm rải rác tại một số địa phương, chạm mức thấp nhất 147.000 đồng/kg. Dự báo giá có thể bật tăng trở lại trong những tháng cuối năm nay.
Giá tiêu hôm nay ngày18/7/2024 tại thị trường trong nước
Giá tiêu hôm nay tại một số vùng trồng trọng điểm trong nước vẫn tiếp tục chịu áp lực giảm ngày thứ 3 liên tiếp. Qua đó, đưa mặt bằng giá tiêu trong nước về quanh mốc 148.000 đồng/kg.
Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk được giữ ổn định ở quanh mức 149.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai giảm 1.000 đồng/kg, còn 147.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông được giữ ổn định ở mức 149.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai cùng tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg, còn 148.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước được giữ ổn định ở mức 148.000 đồng/kg.
Lưu ý: Các giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh hồ tiêu gần nhất để được tư vấn cụ thể.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, một số chuyên gia ngành hàng cho rằng thị trường chưa có động lực mới để thúc đẩy giá tiêu tăng lên. Tuy nhiên, giá tiêu trong nước đã hình thành vùng giá mới và khó giảm thêm so với ngưỡng giá hiện tại.
Trong ngắn hạn, thị trường tiêu kém sôi động chủ yếu do giá cà phê trong nước đang tăng cao trở lại khiến dòng vốn chuyển sang đầu cơ giao dịch cà phê.
Đồng thời, ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, hiện, giá thành bình quân sản xuất của người trồng hồ tiêu hiện nay dao động quanh mức 60.000 – 70.000 đồng/kg do chi phí vật tư và các chi phí khác đều tăng cao. Như vậy, giá bán hiện nay đang cao hơn gấp đôi so với giá thành sản xuất, giúp người trồng tiêu có mức lợi nhuận lớn. Do đó, nhiều người trồng tiêu không vội bán hàng ra nếu không thực sự cần tiền.
Tình trạng nông dân bán hàng “nhỏ giọt” khiến nguồn cung cạn kiệt, dẫn đến hiện tượng một số đại lý ghìm giá để ép người dân ký gửi tiêu sớm chốt bán. Hiện nhiều người trồng tiêu kỳ vọng với tình trạng nguồn cung thấp như hiện nay có thể đẩy giá tiêu sớm tăng trở lại.
Nhiều chuyên gia ngành hàng từng dự báo giá tiêu trong thời gian tới có thể phá đỉnh 250.000 đồng/kg – mức cao nhất của chu kỳ giá tiêu cách đây 10 năm. Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện mặt bằng giá tiêu Việt Nam vẫn còn khá thấp so với giá tiêu các nước sản xuất lớn khác. Do đó, dưa địa tăng của giá tiêu Việt Nam vẫn còn tương đối nhiều.
Bên cạnh đó, trước đây thị trường kỳ vọng thương lái Trung Quốc sẽ bắt đầu quay lại thu mua tiêu từ quý 2/2024 nhưng thực tế cho thấy lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc ở mức rất thấp, kém xa mức thông thường của các năm trước.
Hiện một số doanh nghiệp dự báo nhu cầu thu mua từ phía Trung Quốc sẽ dần tăng trở lại từ quý 3/2024 nhằm phục vụ nhu cầu dịp lễ hội cuối năm. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá tiêu tăng lên trong những tháng cuối năm.
Theo dõi giá tiêu được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giá tiêu hôm nay ngày 18/7/2024 tại thị trường thế giới
Trên thị trường thế giới, dựa trên báo giá của các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất cảng tại các nước, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã cập nhật giá tiêu các loại giao dịch trên thị trường quốc tế trong ngày 17/7 (theo giờ địa phương) như sau:
Giá tiêu đen Lampung của Indonesia đã quay đầu, tăng trở lại với mức tăng 0,46%, đạt 7.223 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok cũng tăng 0,46%, đạt 9.196 USD/tấn.
Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil được giữ ổn định ở mức 7.125 USD/tấn.
Giá tiêu đen ASTA của Malaysia cũng được giữ ổn định ở mức 7.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này đạt 8.800 USD/tấn.
Giá tiêu các loại của Việt Nam cũng được giữ ổn định. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.000 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.600 USD/tấn.
Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam được giữ ổn định ở mức 8.800 USD/tấn.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn