TCCT
Ghi nhận những đóng góp của các đối tác trong và ngoài nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long bày tỏ hy vọng các đối tác tiếp tục thúc đẩy thực hiện những cam kết đã đưa ra để huy động nguồn lực hiệu quả cho việc triển khai Tuyên bố JETP của Việt Nam.
Chiều 26/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì cuộc họp triển khai Nhóm Công nghệ và Năng lượng trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Cùng tham dự buổi làm việc, có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than,… cùng đại diện các tập đoàn, tổng công ty, viện nghiên cứu và các trường đại học. Về phía đối tác quốc tế có Nhóm công tác Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ), Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu và một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế về năng lượng…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Việt Nam không thể thực hiện cam kết chuyển dịch năng lượng tái tạo và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 nếu không có sự hỗ trợ của quốc tế, qua đó bày tỏ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, góp ý từ các đối tác quốc tế.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về 5 chủ đề: (1) Phát triển điện gió ngoài khơi; (2) Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS); (3) Hỗ trợ thành lập 2 Trung tâm năng lượng tái tạo; (4) Phát triển lưới điện thông minh và các hệ thống tích hợp; và (5) Dự án nâng cao năng lực. Trong đó chủ đề Phát triển điện gió ngoài khơi được đặt ưu tiên hàng đầu tại các phiên thảo luận.
Cụ thể, liên quan đến lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, đại điện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao về những triển vọng trong phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam, không chỉ thể hiện qua việc ban hành quy hoạch không gian biển cũng như xây dựng đề án thí điểm đối với điện gió ngoài khơi, mà còn là những hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc triển khai hợp đồng mua bán điện PPA. Phía UNDP cho biết, sẵn sàng làm việc trực tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số tập đoàn trong nước để có những kế hoạch triển khai mang tính thực tiễn cho các chương trình đầu tư điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, nhóm các đối tác quốc tế (IPG – bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch, Na Uy) cùng với GFANZ – Liên minh Tài chính vì mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 (Net Zero) cũng đã cam kết hỗ trợ khoản vay tài chính nhằm tài trợ cho các dự án đáp ứng điều kiện của JETP.
Liên quan đến việc phát triển lưới điện thông minh có tích hợp hệ thống lưu trữ, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch chia sẻ, song hành với sự phát triển của năng lượng tái tạo thì hệ thống lưu trữ cũng đóng vai trò quan trọng, không chỉ giúp ổn định hệ thống và tận dụng tối đa công suất khai thác năng lượng tái tạo, mà còn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào hình thành chuỗi cung ứng sản xuất hệ thống lưu trữ. Tuy nhiên, cũng cần áp dụng những mô hình hiệu quả để tránh việc đẩy mạnh chi phí năng lượng tái tạo quá mức cho phép.
Ngoài ra, liên quan đến dự án nâng cao năng lực triển khai JETP, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Trường Đại học Điện lực để triển khai chương trình đào tạo chuyên sâu các kỹ thuật viên, kỹ sư, công nhân,… trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, lưới điện thông minh, hydrogen xanh và các loại hình năng lượng mới.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị tham dự đưa ra những kinh nghiệm của mình liên quan tới xây dựng khung chính sách, huy động nguồn vốn và chuyển giao công nghệ trong phát triển năng lượng tái tạo tại các nước trên thế giới.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long ghi nhận những đóng góp của các đối tác trong và ngoài nước đối với việc triển khai Tuyên bố JETP của Việt Nam, và bày tỏ hy vọng các đối tác tiếp tục thúc đẩy thực hiện những cam kết đã đưa ra để huy động nguồn lực hiệu quả cho JETP.
Thứ trưởng cũng cho biết thêm, hiện tại Bộ Công Thương cũng đang làm việc với EVN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) để xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai 2 dự án thí điểm điện gió ngoài khơi ở 2 khu vực miền Bắc và miền Nam. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện cao áp một chiều (HVDC) giúp trao đổi điện năng giữa các hệ thống điện khác nhau về tần số, điều độ vận hành, thậm chí có thể liên kết giữa hệ thống điện mạnh với hệ thống điện yếu hơn nhiều mà không làm ảnh hưởng đến nhau.
Với nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam, trong đó có khoảng 38.000 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân có khả năng làm việc trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi thuộc chương trình đào tạo năng lực của EVN và nguồn nhân lực từ các tập đoàn, tổng công ty trong nước, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn sẽ có các nguồn vốn ODA từ các nước để hỗ trợ đào tạo chuyên sâu về điện gió ngoài khơi, lưới điện thông minh, hydrogen xanh và các loại hình năng lượng mới.
Ngày 31/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Theo đó, Nhóm Công nghệ và Năng lượng được thành lập bởi Bộ Công Thương chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách, quy định thúc đẩy thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; xác định nhu cầu, thúc đẩy và điều phối các hoạt động kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP theo hướng dẫn của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn