Huy động tối đa các nhà máy thủy điện miền Bắc đang xả

TCCT
Tại miền Bắc, các nhà máy thủy điện đang được huy động linh hoạt theo tình hình thủy văn thực tế đồng thời đảm bảo công suất khả dụng để đáp ứng cao điểm nắng nóng khu vực miền Bắc, trong đó huy động tối đa Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La và các nhà máy thủy điện đang xả.

Thời tiết nắng nóng tiếp tục diễn biến tại miền Bắc, công suất cực đại trong tuần 27 năm 2024 cao hơn 1.881,8MW so với tuần trước

Công suất cực đại cao hơn tuần trước gần 2.000 MW 

Theo báo cáo của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong tuần 27 năm 2024 (ngày 1/7 – 7/7), sản lượng điện trung bình ngày là 914,5 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 26,6 triệu kWh. 

Công suất cực đại trong tuần đạt 45.532,6 MW, cao hơn 1.881,8 MW so với tuần trước.

Phụ tải hệ thống điện miền Bắc ghi nhận đạt 457,9 triệu kWh; phụ tải miền Trung 85,5 triệu kWh; phụ tải miền Nam + EDC 382,0 triệu kWh,

Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng trưởng khoảng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 11,6%; miền Trung 10,2%; miền Nam 11,7%).

Cục Điều tiết điện lực cho biết, tình hình cung cấp điện trong tuần qua vẫn tiếp tục được đảm bảo tốt.

Nước về các hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm

Đánh giá chung tình hình nước về các hồ thủy điện giai đoạn từ đầu tháng 7 đến nay, khu vực miền Bắc các hồ Thác Bà, Tuyên Quang có nước về cao so với trung bình nhiều năm (từ 145-147%); các hồ còn lại có lưu lượng nước về thấp, đạt khoảng 34 – 97% TBNN. 

Miền Trung có 17/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn so với TBNN (từ 25-96% TBNN), các hồ còn lại có nước về tốt (từ 107-422% TBNN). 

Miền Nam ngoại trừ Đồng Nai 2, Đa Nhim, Đại Ninh có nước về cao hơn TBNN (115-160%), các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với TBNN (từ 39-63% TBNN). 

Sản lượng theo nước về (bao gồm thủy điện nhỏ) các ngày trong tuần trung bình khoảng 411,2 triệu kWh/ngày, cao hơn 113,2 triệu kWh/ngày so với phụ tải tháng 7 (298 triệu kWh/ngày), cao hơn 62 triệu kWh/ngày so với KH năm 2024 (349,2 triệu kWh/ngày). 

Trong tuần điều độ quốc gia đã tăng khai thác tối đa các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang để đưa dần mức nước các hồ về mức nước trước lũ áp dụng trong thời kỳ lũ sớm từ ngày 15/06 – 19/7 quy định trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. 

Sản lượng còn lại trong hồ tính đến 0h ngày 7/7 toàn hệ thống là 6.498,5 triệu kWh, cao hơn 1.991,5 triệu kWh so với kế hoạch năm. So sánh với kế hoạch tháng 7, sản lượng còn lại thực tế trong hồ cao hơn 957,1 triệu kWh.

Nhiều hồ thủy điện trên cả nước đều ghi nhận lưu lượng nước về thấp so với trung bình nhiều năm

Trong tuần, sản lượng trung bình ngày khai thác từ các thủy điện khoảng 391,4 triệu kWh. Huy động thủy điện linh hoạt theo tình hình thủy văn, hài hòa giữa các mục tiêu vừa đảm bảo công suất dự phòng, vừa tận dụng nguồn tài nguyên nước, có phòng đón lũ, đồng thời kết hợp điều chỉnh linh hoạt huy động nhiệt điện, sắp xếp các tổ máy bảo trì sửa chữa tại các thời điểm phù hợp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ Tướng chính phủ.

Tại miền Bắc, linh hoạt huy động các nhà máy thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế đồng thời đảm bảo công suất khả dụng để đáp ứng cao điểm nắng nóng khu vực miền Bắc.

Huy động tối đa Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La và các nhà máy thủy điện đang xả, bao gồm: thủy điện Tuyên Quang huy động tối đa từ 30/5/2024, nhà máy hiện đang xả từ ngày 11/6/2024 – nay. 

Thủy điện Hòa Bình huy động tối đa từ 4/6/2024, nhà máy bắt đầu mở cửa xả từ 22h04 ngày 24/6/2024 – nay. 

Thủy điện Sơn La huy động tối đa từ 13/6/2024, nhà máy mở cửa xả trong ngày 13/6/2024. 

Tại miền Trung và miền Nam, huy động các thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện.

Huy động linh hoạt các nguồn điện khác

Về các nguồn điện khác, sản lượng trung bình ngày của nhiệt điện than trong tuần khoảng 364,4 triệu kWh, không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than.

Sản lượng trung bình ngày của nhiệt điện khí trong tuần khoảng 55,2 triệu kWh. Huy động để đảm bảo khả dụng nguồn, đáp ứng nhu cầu phụ tải và chế độ lưới điện cũng như yêu cầu vận hành của hệ thống cấp khí.

Sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 97,0 triệu kWh, trong đó nguồn gió là 15,1 triệu kWh. Huy động theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống.

Điện than, điện khi tiếp tục được huy động để đảm bảo khả dụng nguồn, đáp ứng nhu cầu phụ tải và chế độ lưới điện

Đối với dịch vụ phụ trợ, huy động 0-4 tổ Ninh Bình theo nhu cầu hệ thống. Nhiệt điện Phú Mỹ 3 huy động theo nhu cầu hệ thống và đảm bảo cam kết tiêu thụ LNG tái hóa.

Về lưới điện, trào lưu truyền tải trên lưới điện 500kV dọc trục trong tuần qua theo chiều từ miền Bắc vào miền Trung, miền Nam và đảo chiều ngược lại trong các khung giờ ban ngày khi năng lượng tái tạo phát cao (khoảng từ 9h-15h). Mức truyền tải nặng nhất trên các đường dây 500kV Nho Quan – Nghi Sơn – Hà Tĩnh và cung đoạn Trung – Nam.

Hệ thống điện đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải điện

Trong tuần tiếp theo, Cục Điều tiết điện lực cho biết hệ thống điện đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải điện.

Cơ quan điều độ sẽ thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để huy động các nhà máy thuỷ điện phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi đồng thời giữ nước cho phát điện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nước các hồ thủy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các nhà máy thủy điện khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 7/2024, đáp ứng ràng buộc lưới điện/nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo Quy trình liên hồ. Các đơn vị phát điện theo dõi sát sao lưu lượng nước về để điều chỉnh mức nước vận hành phù hợp đảm bảo an toàn công trình và không làm phát sinh dòng chảy đột biến ở hạ lưu.

Tại miền Bắc, linh hoạt huy động các nhà máy thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế đồng thời đảm bảo công suất khả dụng để đáp ứng cao điểm nắng nóng khu vực miền Bắc. Huy động tối đa Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La và các nhà máy thủy điện đang xả.

Tại miền Trung và miền Nam, huy động các thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện.

Mực nước giới hạn đã được tính toán cập nhật phù hợp tình hình vận hành hệ thống điện, yêu cầu cấp nước của địa phương, quy trình liên hồ nhằm đảm bảo đủ nước đáp ứng an ninh cung cấp điện và nhu cầu nước hạ du đến hết mùa khô 2024.

Bên cạnh đó, huy động các nhà máy nhiệt điện than theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, quán tính hệ thống và chất lượng điện áp. 

Huy động các nhà máy tuabin khí theo theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, chất lượng điện áp và yêu cầu vận hành an toàn, ổn định của các mỏ khí theo đề nghị của PV GAS.

Huy động cao nhất có thể năng lượng tái tạo theo nguồn nhiên liệu sơ cấp, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và không làm quá tải các phần tử trên hệ thống điện. 

Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà máy điện mới thử nghiệm và đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, kiên trì thực hiện chương trình điều hòa, điều tiết phụ tải nhằm đáp ứng công suất đỉnh hệ thống điện trên phạm vi ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn