TCCT
Nguồn vốn khuyến công tại tỉnh Kon Tum, có vai trò như là “vốn mồi” nhằm tạo động lực, khích lệ các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao được năng lực quản lý.
Thời gian qua, tại tỉnh Kon Tum nguồn vốn khuyến công đã thực sự tạo động lực giúp các cơ sở sản xuất thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh ở các địa phương, đưa công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển, nâng cao hiệu quả kinh nông nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bên cạnh việc hỗ trợ về thiết bị máy móc, từ nguồn vốn khuyến công, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT còn được hỗ trợ tham gia các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, phổ biến kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, năm 2023, tổng kinh phí khuyến công địa phương được giao là 918 triệu đồng hỗ trợ 06 đề án khuyến công, kết quả đã triển khai thực hiện hoàn thành 6/6 đề án khuyến công, đạt 100% kế hoạch. Đăng ký cho 04 cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2022 tham gia bình chọn cấp Quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức, kết quả đã có 01 sản phẩm được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023. Nhìn chung, hoạt động khuyến công đã triển khai hoàn thành đảm bảo kế hoạch đề ra, hiệu quả, thu hút trên 5 tỷ đồng đầu tư từ các doanh nghiệp; các doanh nghiệp được hỗ trợ đã ổn định sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm mới, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn gần 100 lao động nông thôn… góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp tại địa phương.
Bên cạnh đó, khuyến công quốc gia năm 2023, được Bộ Công Thương phê duyệt 01 đề án khuyến công với tổng kinh phí là 1,2 tỷ đồng (đề án nhóm). Kết quả đã giải ngân là 1,2 tỷ đồng và hoàn thành 100% kế hoạch năm 2023. Có thể thấy với nguồn lực của địa phương còn hạn chế, việc tranh thủ nguồn vốn Trung ương để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã tạo động lực cho các doanh nghiệp địa phương phát triển. Các đơn vị thụ hưởng triển khai thực hiện đề án đúng tiến độ; đảm bảo thời gian triển khai thực hiện theo hợp đồng đã được ký kết, máy móc thiết bị được hỗ trợ đúng như trong đề án được duyệt và hợp đồng được ký kết, máy móc thiết bị đi vào hoạt động và vận hành rất tốt, các yếu tố về kỹ thuật được đảm bảo; hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thụ hưởng được ổn định, tạo ra sản phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định thu nhập cho lao động nông thôn.
Năm 2024, tổng kinh phí khuyến công địa phương được giao là 918 triệu đồng. Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại tỉnh Kon Tum triển khai các hoạt động khảo sát thực tế tại cơ sở, phối hợp với phòng Kinh tế – Hạ tầng các huyện, thành phố hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng xây dựng đề án khuyến công và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024; Quyết định thành lập Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024; trình Chủ tịch Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Kon Tum năm 2024 ban hành Quyết định thành lập Ban Giám khảo bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024; Hướng dẫn tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện và hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh.
Đối với việc xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã rà soát, tổ chức thẩm định cơ sở hồ sơ đề án của các đơn vị đăng ký thực hiện năm 2024, tuy nhiên 4/4 đề án chưa đủ điều kiện đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia 2024.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết: Hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu chương trình khuyến công giai đoạn 2021- 2025, kế hoạch năm 2023 và năm 2024. Việc tổ chức thực hiện, sử dụng nguồn kinh phí khuyến công đúng mục đích và đạt hiệu quả cao góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, giúp tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu cho các địa phương.
Tuy nhiên bên cạnh đó công tác khuyến công vẫn còn tồn tại, hạn chế như việc xây dựng, đăng ký kế hoạch khuyến công hằng năm của một số đơn vị địa phương thiếu chủ động; các đề án khuyến công sau khi thẩm định không đảm bảo đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Nguyên nhân là do ở cấp huyện không có cán bộ khuyến công chuyên trách theo dõi hoạt động khuyến công, chủ yếu là kiêm nhiệm, nên hàng năm chưa chủ động xây dựng kế hoạch dẫn đến việc phối hợp thực hiện các chương trình dự án thiếu chặt chẽ và còn hạn chế; một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác khuyến công, một số đề án đăng ký chưa đảm bảo theo quy định hiện hành.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch khuyến công địa phương được giao năm 2024. Sở Công Thương tỉnh Kon Tum sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại tỉnh Kon Tum tích cực bám sát cơ sở, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở CNNT lập đề án khuyến công; tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch khuyến công địa phương được giao năm 2024. Đồng thời, phối hợp với phòng Kinh tế – Hạ tầng các huyện, thành phố và các tổ chức có liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch đăng ký đề án khuyến công năm 2025.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chính sách khuyến công; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình khuyến công; kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện đề án khuyến công (nếu có); theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn