Liên hợp quốc không ủng hộ doanh nghiệp dựa vào tín chỉ carbon để đạt mục tiêu khí hậu

TCCT
Theo một văn kiện dự thảo chính sách từ nhóm đặc trách hành động khí hậu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres mới đây đã bày tỏ quan điểm phản đối doanh nghiệp sử dụng tín chỉ carbon để xóa bỏ dấu ấn carbon.

Cụ thể theo Tờ Financial Times hôm 23/7/2024 cho biết, dự thảo chính sách của Liên hợp quốc kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp không nên sử dụng tín chỉ carbon để tự nguyện bù đắp cho lượng phát thải nhà kính.

Liên hợp quốc phản đổi doanh nghiệp chỉ dựa vào tín chỉ các bon để đạt mục tiêu khí hậu
Liên hiệp quốc cho rằng, doanh nghiệp cần phải đầu tư vào các giải pháp để kiểm soát lượng phát thải, thay vì dựa dẫm vào thị trường giao dịch carbon tự nguyện.

Lập trường này theo đó sẽ xung đột với nỗ lực hiện tại của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ và dầu khí vốn đang dựa vào tín chỉ carbon để đạt các mục tiêu khí hậu.

Theo dự thảo chính sách, “tín chỉ carbon mua ở các thị trường tự nguyện, bên ngoài các chương trình do chính phủ quản lý, không nên được tính để bù đắp mức giảm phát thải của chính doanh nghiệp gây ô nhiễm”.

Để xây dựng dự thảo này, nhóm chuyên trách hành động khí hậu của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc, bao gồm Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Các tập đoàn dầu khí và công nghệ ở Mỹ bao gồm Chevron, ExxonMobil, Microsoft, Apple… xem tín chỉ bù đắp carbon là một phần quan trọng trong kế hoạch thực hiện các cam kết khí hậu.

Ngoài ra các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất, như thép và xi măng, cũng dựa vào tín chỉ carbon ở thị trường tư nhân để hỗ trợ mục tiêu đưa lượng phát thải carbon ròng về zero (Net-Zero).

Về lý thuyết, số tiền thu được từ việc bán tín chỉ carbon sẽ tài trợ cho các dự án cắt giảm hoặc loại bỏ carbon từ khí quyển, chẳng hạn dự án bảo vệ một khu vực rừng nhiệt đới hoặc thu giữ và lưu trữ carbon dưới lòng đất. Tuy nhiên, nhiều dự án gần đây bị chỉ trích vì lượng carbon bị loại bỏ hoặc tránh được là không thể kiểm chứng hoặc không tồn tại lâu dài.

Ông Jeff Swartz, Phó Chủ tịch bộ phận giao dịch và vận chuyển của tập đoàn dầu khí BP (Anh), phụ trách mua bán tín chỉ carbon bày tỏ quan điểm “Tôi hy vọng các tổ chức như Liên hợp quốc kết bảo vệ hệ sinh thái. Đừng đóng cửa con đường tài chính carbon đó”.Ông Swartz, người cũng là thành viên của Hội đồng Liêm chính về thị trường carbon tự nguyện (ICVCM) cảnh báo, nhiều hệ sinh thái hiện này có nguy cơ sụp đổ nếu không nhận được được đầy đủ nguồn tài chính khí hậu.

Thị trường tín chỉ carbon đang được kỳ vọng tăng trưởng nhanh chóng. Một báo cáo chung của hãng tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG) và tập đoàn dầu khí Shell ước tính, quy mô của thị trường carbon tự nguyện có thể tăng lên từ 10-40 tỉ đô la Mỹ vào vào cuối thập niên nay.

Tuy nhiên, giá trị của tín chỉ carbon được mua trong năm 2023 giảm xuống còn 900 triệu đô la từ mức 1,4 tỉ đô la vào năm 2022, theo nhà cung cấp dữ liệu AlliedOffsets.

Trong một bài phát biểu năm ngoái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres thể hiện rõ quan điểm phản đối doanh nghiệp phụ thuộc vào tín chỉ carbon để đạt mục tiêu khí hậu. Ông đã kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền các thành phố và khu vực nên tập trung cắt giảm lượng khí thải của chính họ và tránh sử dụng các tín chỉ carbon không minh bạch.

Báo cáo hồi tuần trước của Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) của Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC) cảnh báo, tình trạng thiếu quy định quản lý trên thị trường carbon tự nguyện sẽ làm gia tăng rủi ro gian lận. Điều này có thể làm sụp đổ niềm tin trên thị trường carbon tự nguyện, cản trở nguồn đầu tư cần thiết cho các giải pháp khử carbon dựa vào thiên nhiên.

Theo báo cáo, các sáng kiến bù đắp carbon thông qua những dự án khôi phục sinh thái, nếu được thiết kế và thực hiện tốt, có thể giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Đồng thời mang lại những lợi ích khác, chẳng hạn giảm tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí, tăng cường đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều vấn đề nảy sinh ở các dự án này. Chẳng hạn, quy trình xác minh yếu kém, tạo điều kiện cho hành vi gian lận để được cấp tín chỉ carbon nhiều hơn lượng khí thải carbon mà dự án giúp loại bỏ. Hoặc có những dự án bán cùng một lượng tín chỉ carbon cho nhiều người mua.

Theo báo cáo, ngày càng có nhiều bằng chứng và mối lo ngại rằng các sáng kiến bù đắp carbon quy mô lớn phóng đại khả năng góp phần hạn chế khí nhà kính trong khí quyển. Năm ngoái, cuộc điều tra của nhật báo Guardian (Anh), tuần báo Die Zeit (Đức) và SourceMaterial, một tổ chức điều tra phi lợi nhuận, chỉ ra rằng hơn 90% tín chỉ carbon từ các dự án bảo vệ rừng nhiệt đới do Verra xác minh và cấp là “tín chỉ ma”. Tỷ lệ này không đại diện cho lượng carbon cắt giảm thực sự.

Báo cáo của UNEP và ISC nhấn mạnh, tín chỉ bù đắp carbon chỉ nên được coi là giải pháp cuối cùng khi doanh nghiệp đã thực hiện mọi nỗ lực để giảm hoặc tránh thải carbon nhưng không đạt kết quả mong muốn.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn