TCCT
Trong nửa đầu năm nay, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) đã hoàn thành gần 50% kế hoạch sản lượng cả năm. Đồng thời, công ty đang tích cực bám sát giải quyết vướng mắc cuối cùng liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu BSR trên sàn HoSE.
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR – sàn UPCoM) vừa cho biết ước tính đã sản xuất hơn 2,83 triệu tấn sản phẩm các loại trong 6 tháng đầu năm nay, tương ứng hoàn thành gần 50% kế hoạch sản lượng cả năm.
Các chỉ tiêu về doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận của công ty đều đạt so với kế hoạch đề ra. Đồng thời, công ty tiếp tục đảm bảo việc cung ứng xăng dầu thông suốt, đáp hơn hơn 30% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước.
Bên cạnh tiếp tục mục tiêu duy trì vận hành nhà máy an toàn, ổn định và hiệu quả, tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc nâng cao công suất chế biến, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm có giá trị cao như nhiên liệu phản lực Jet A1, Jet A1-K, xăng MOGAS 95, công ty tiếp tục tập trung nghiên cứu, đánh giá cơ hội chế biến thử nghiệm các loại dầu thô và nguyên liệu trung gian mới cùng với khai thác tối đa công suất cận biên các phân xưởng công nghệ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ban lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết.
Sau khi hoàn thành việc bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chu kỳ bảo dưỡng tổng thể dự kiến sẽ được giãn tần suất nhằm kết nối với Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được triển khai. Đây được xem là cơ hội để gia tăng lợi nhuận cho Lọc hóa dầu Bình Sơn trong trung và dài hạn.
Liên quan đến việc triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua, ông Bùi Ngọc Dương – Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn vay cho dự án đang gặp khó khăn do lãi suất ở mức cao.
Do vậy, công ty đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ 31.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng, dự kiến thông qua phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Đây là kỳ vọng để Lọc hóa dầu Bình Sơn có đủ nguồn vốn chủ phục vụ dự án, đảm bảo vốn chủ chiếm tối thiểu 60% tổng mức đầu tư của dự án. Phần vốn vay sẽ được thu xếp từ nguồn tín dụng bảo lãnh, thương mại trong nước và quốc tế, cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác, ông Bùi Ngọc Dương cho biết.
Về việc niêm yết cổ phiếu BSR trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE), Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết đang bám sát, tích cực làm việc với các cơ quan thẩm quyền để niêm yết cổ phiếu BSR ngay khi đủ điều kiện.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, kế hoạch chuyển sàn đã được Lọc hóa dầu Bình Sơn thể hiện quyết tâm thực hiện và khả năng chuyển sàn đang trở nên rõ ràng hơn khi công ty dự kiến nhận sẽ được quyết định của tòa án về thủ tục phá sản cho công ty con – Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Miền Trung (BSR – BF) – nút thắt cuối cùng trong lộ trình chuyển sàn hiện nay của cổ phiếu BSR.
Vào tháng 2/2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã làm việc với các bên có liên quan và toà án về thủ tục phá sản BSR – BF. Theo Chứng khoán BIDV, thủ tục phá sản thường được xử lý trong 4 – 6 tháng, do đó Lọc hóa dầu Bình Sơn kỳ vọng sẽ nhận được quyết định phá sản đối với BSR – BF trong quý 3 này.
Việc cổ phiếu BSR được niêm yết trên HoSE sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của Lọc hóa dầu Bình Sơn và tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, theo Chứng khoán BIDV, việc niêm yết trên HoSE còn giúp cổ phiếu BSR có thể lọt vào chỉ số VN30 sau 6 tháng hoàn tất thủ tục chuyển sàn.
Hiện cổ phiếu BSR đã đáp ứng điều kiện về tỷ lệ free – float, thanh khoản, khối lượng và giá trị giao dịch và vốn hóa trung bình 12 tháng gần nhất ở vị trí 19 so với danh sách VN30 hiện tại. Theo dữ liệu của Chứng khoán BIDV, các cổ phiếu ở vị trí từ mức 20 trở lên luôn được chọn vào rổ VN30 trong các đợt cơ cấu chỉ số.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn