Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) năm 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là luật lần đầu tiên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam có hiệu lực. Trước bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều thay đổi, nhiều hình thức kinh doanh và xu hướng tiêu dùng mới đã xuất hiện, tác động trực tiếp tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng, phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập và một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không còn phù hợp với thực tiễn.
Vì vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 ra đời nhằm hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, khả thi; đồng thời tạo thêm động lực để thúc đẩy, hoàn thiện môi trường tiêu dùng an toàn, chất lượng, tăng sức cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch hơn cho người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã bổ sung các quy định mới nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước, kịp thời với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và khu vực.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 gồm có 7 Chương với 80 Điều, quy định rõ ràng về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhằm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu quả và kịp thời đưa luật vào đời sống, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, bao gồm:
(i) Nghị định số 55/2024/NĐCP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024);
(ii) Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg ngày 20/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024);
(iii) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐCP ngày 31/1/2022). Bộ Công Thương đang thực hiện các thủ tục theo quy định để trình Chính phủ ban hành đối với dự thảo Nghị định này.
Bên cạnh đó, để tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật này, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/08/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tiếp đó, ngày 17/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương (kèm theo Quyết định số 2720/QĐ-BCT ngày 17 tháng 10 năm 2023) thực hiện Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31 /08/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động và tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới đông đảo người tiêu dùng, các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn