Ngân hàng HDBank (mã cổ phiếu HDB) chuẩn bị chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và lên kế hoạch tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (Ngân hàng HDBank, mã cổ phiếu HDB – sàn HoSE) vừa thông báo chốt quyền nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt vào ngày 15/7 tới đây. Ngày thanh toán cổ tức dự kiến là 26/7.
Theo đó, cổ đông Ngân hàng HDBank sẽ được nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng cứ sở hữu 01 cổ phiếu HDB sẽ được nhận 1.000 đồng cổ tức. Với 2,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Ngân hàng HDBank cần chi ra khoảng 2.900 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức sắp tới.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng việc phát hành 502,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới. Thời điểm chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền hiện chưa được ngân hàng này công bố.
Nếu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, Ngân hàng HDBank dự kiến sẽ triển khai việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong quý 2 – 3/2024. Qua đó, vốn điều lệ của Ngân hàng HDBank sẽ tăng thêm 20%, lên mức 35.131 tỷ đồng.
Trong quý 1/2024, Ngân hàng HDBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 7.160 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 4.028 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và 47% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank cho biết, “Với kết quả quý 1/2024, Ngân hàng HDBank tiếp tục duy trì vị thế ngân hàng hiệu quả đầu ngành, với ROE đạt tới 26,2%. Tăng trưởng tín dụng quý 1/2024 đạt 6,2%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở 1,68%”.
Tính đến cuối quý 1/2024, tổng tài sản của Ngân hàng HDBank đi ngang so với hồi đầu năm, duy trì ở mức 602.552 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6%, đạt 363.449 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay hộ kinh doanh và cá nhân.
Về chiến lược kinh doanh năm nay, Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank cho biết, Ngân hàng chủ trương đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như: Nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, sản xuất kinh doanh, năng lượng tái tạo, các hoạt động cho vay dự án giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải CO2, xử lý/tái chế rác bên cạnh phát huy vị thế dẫn đầu về tài trợ chuỗi.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn