Quản lý thị trường cả nước xử lý trên 30.000 vụ vi phạm trong 7 tháng đầu năm 2024

TCCT
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý 30.070 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 338 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 124 tỷ đồng.

Quản lý thị trường cả nước xử lý trên 30.000 vụ vi phạm trong 7 tháng đầu năm 2024

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cùng đó, phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng và việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, đặc biệt là đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác.

Đi cùng với nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong 7 tháng năm 2024, Quản lý thị trường cả nước cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của các đối tượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Đặc biệt, trước tình hình thị trường vàng diễn biến phức tạp, thực hiện Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 của Chính phủ về các giải pháp Quản lý thị trường vàng và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát đấu tranh phòng, chống buôn lậu mặt hàng vàng. Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã đồng loạt ra quân kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc đối với mặt hàng vàng…

Theo báo cáo nhanh của lực lượng Quản lý thị trường cả nước, từ ngày 15/6/2024 đến ngày 14/7/2024, lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.937 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 39 tỷ đồng.

Lũy kế 7 tháng năm 2024, từ 15/12/2023 đến ngày 14/7/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 30.070 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 338 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu 124 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 159 tỷ đồng.

quản lý thị trường

Dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những tháng cuối năm vẫn diễn biến phức tạp, do vậy, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng trọng tâm, các địa bàn trọng điểm…

Cùng đó, chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách, kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Song song đó, lực lượng Quản lý thị trường cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, trong những tháng cuối năm, chống hàng giả trên thương mại điện tử tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của lực lượng nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 về việc phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, song hành với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia… Đáng chú ý, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên thương mại điện tử, tính đến hết năm 2021, Bộ Công Thương (nòng cốt là Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc, xử phạt trên 20 tỷ đồng. Năm 2022, thực hiện thanh tra, kiểm tra 784 vụ, xử lý 449 vụ, phạt tiền gần 6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử. Trong năm 2023, kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn