Thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là cần thiết trong bối cảnh mới

TCCT
Chiều 6/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo

Ngành hàng lúa gạo đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đối với Việt Nam, lúa gạo ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới.

Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội.

Cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì tại Hội thảo

Theo số liệu thống kê, những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, đặc biệt năm 2023 đã đạt kết quả tích cực khi xuất khẩu tới 8,1 triệu tấn gạo, tăng 36,6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 16 năm qua. Sản xuất lúa gạo tương đối thuận lợi và ổn định trong năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024 (sản lượng cả năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn thóc, tăng 1,9% so với năm 2022, sản lượng lúa thu hoạch tính đến ngày 15/7/2024 khoảng 25 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ 2023).

Năm 2024, sản xuất lúa gạo ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc (giảm khoảng 35 nghìn tấn), trong đó tổng khối lượng cho xuất khẩu ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn; xuất khẩu gạo tiếp tục có sự tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm 2024 khi khối lượng tăng 5,8% (đạt 5,18 triệu tấn) và giá trị tăng đến 25,1% (đạt 3,27 tỷ USD), giá xuất khẩu bình quân đạt 632,2 USD/tấn.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện và bổ sung các khung pháp lý, các chính sách thúc đẩy sản xuất và kinh doanh lúa gạo.

Điển hình là sự ra đời của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các Chiến lược, Đề án của Chính phủ, các bộ ngành cũng đã có nhiều tác động tích cực, góp phần đóng góp vào các kết quả đạt được như bảo đảm an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu; nâng cao vị thế, uy tín cho mặt hàng gạo Việt Nam; củng cố, mở rộng thị trường, tiêu thụ kịp thời hàng hóa với giá có lợi cho nông dân.

Cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, thị trường trong nước và thế giới diễn biến nhanh, xu thế tiêu dùng thay đổi, nhiều nguồn tài nguyên suy giảm, nhất là tài nguyên nước. Vì vậy, để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài tài nguyên (đất lúa, nguồn nước, đa dạng sinh học,…) rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ.” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Hội đồng này sẽ đóng vai trò như một diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân cùng nhau bàn bạc, thống nhất đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến ngành lúa gạo tại những thời điểm và tình huống khác nhau; nâng cao được vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng.

Cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

Báo cáo tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn cho biết, trong 30 năm trở lại đây, nền nông nghiệp của chúng ta đã thể hiện vai trò, vị thế to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội, tạo sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp gần 12% GDP của quốc gia (năm 2023).

Tuy nhiên, người sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới và các biến động thị trường. Trong khi đó, diễn biến thị trường quốc tế đang đặt ra những thử thách đối với sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam.

Cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn báo cáo tại Hội thảo

Thương mại gạo thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh quyết liệt về giá cả, chất lượng giữa các nước xuất khẩu làm gia tăng áp lực cạnh tranh; sự thay đổi chính sách xuất, nhập khẩu gạo của các nước cùng với yếu tố xung đột địa, chính trị, bảo hộ sản xuất trong nước ngày càng gia tăng trên thế giới đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam.” – ông Sơn nhấn mạnh.

Việc điều chỉnh chính sách, chiến lược nhập khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế nhập khẩu, tăng cường khả năng tự túc lương thực của các quốc gia tiêu thụ lúa gạo đã tác động bất lợi tới nhu cầu thị trường, tạo sức ép về giá, ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam.

Để đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người nhập khẩu đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp, liên kết, điều phối một cách đồng bộ, đồng lòng, hiệu quả của tất cả các ngành các cấp, các địa phương, của cả hệ thống chính trị trong phát triển sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trong giai đoạn hiện nay.

Quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò của lúa gạo đối với phát triển kinh tế xã hội, kinh nghiệm của quốc tế và thực tiễn thời gian qua đều chỉ ra sự cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia giúp tham mưu Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngàng hàng lúa gạo bao gồm từ sản xuất đến xuất khẩu.

Ông Sơn cho biết thêm, Bộ Công Thương đã Dự thảo Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách và hồ sơ liên quan về thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia và ngày 1/8/2024, Bộ Công Thương đã có công văn số 5017/BCT-XNK gửi đến các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội để xin ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.

Cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất cao việc thành Hội đồng lúa gạo quốc gia là cần thiết trong bối cảnh mới

Theo đó, Thành viên Hội đồng lúa gạo quốc gia bao gồm 1 Chủ tịch Hội đồng: Phó Thủ tướng Chính phủ; 2 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Uỷ viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương.

Về chức năng, Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.

Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo anh sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia, phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững.

Nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình phát triển ngành lúa gạo.

Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo.

Cho ý kiến về chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách… liên quan đến ngành hàng lúa gạo thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo.

Cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Đại diện các Bộ ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện Bộ ngành, các địa phương; đại diện các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã thảo luận đóng góp ý kiến về Dự thảo các tài liệu về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Các đại biểu đều thống nhất cao việc thành Hội đồng lúa gạo quốc gia là cần thiết trong bối cảnh mới, đồng thời, cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động thời gian vừa qua.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn