TCCT
Vừa chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng (HRC) Ấn Độ và Trung Quốc, Ủy ban Châu Âu (EC) gửi thông báo yêu cầu điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam.
Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 30/7/2024, Cục đã nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong trường hợp khởi xướng điều tra vụ việc, EC sẽ gửi cho các bên liên quan các tài liệu gồm Đơn yêu cầu, Quyết định khởi xướng điều tra và Bản câu hỏi điều tra.
Phía EC yêu cầu cung cấp danh sách đầy đủ về địa chỉ, người liên hệ, email của nhà xuất khẩu thép trong đơn khiếu nại, chậm nhất ngày 5/8/2024.
Trước thông tin trên, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án phù hợp.
Đáng chú ý, sự việc xảy ra trong bối cảnh sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) sản xuất trong nước cũng đang phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nghi bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Quyết định điều tra dự trên hồ sơ yêu cầu do các công ty trong nước nộp theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, cáo buộc các nhà sản xuất thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Động thái này được cho là cần thiết và kịp thời để bảo vệ sản xuất trong nước theo đúng các quy định pháp luật.
Thép HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, đầu tư sản xuất loại thép này không dễ. Hiện Việt Nam có 2 doanh nghiệp là Hòa Phát và Formosa sản xuất thép HRC với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỉ USD.
Được biết, sản lượng thép cuộn cán nóng quý II/2024 giảm 10% so với quý I/2024 đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh (6 triệu tấn, tăng gấp rưỡi cùng kỳ 2023 và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường) gây nên sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Hòa Phát tại thị trường nội địa. Cùng với đó giá sản phẩm thép HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II/2024.
Thị trường xuất khẩu cũng có nhiều thử thách đến từ tình trạng dư thừa thép cuộn cán nóng cũng như việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn