Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch Mẫu Sơn, Lạng Sơn

Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch Mẫu Sơn, Lạng Sơn do Phạm Thu Hương (Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh – Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện

TÓM TẮT:

Bài viết này phân tích đánh giá tiềm năng du lịch tại khu vực Mẫu Sơn, Lạng Sơn, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa tâm linh ở khu vực này. Với lợi thế về điều kiện khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, những giá trị về bản sắc văn hóa dân tộc thuần khiết của đồng bào các dân tộc sinh sống quanh đỉnh núi, Mẫu Sơn được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tự nhiên, đang cần được đầu tư để phát triển và bảo đảm tính bền vững.

Từ khoá: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh, Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

 1. Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia đang phát triển nằm trong khu vực Đông Nam Á, được đánh giá là khu vực phát triển năng động của thế giới. Trong thời gian qua, ngành Dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng đang góp phần quan trọng làm thay đổi trong cơ cấu GDP của nước ta. Việc đầu tư phát triển ngành Dịch vụ du lịch trong thời gian tới ngày càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Phát triển du lịch đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Trong đó, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa tâm linh ở vùng núi Đông Bắc Việt Nam có tiềm năng lớn nhờ vào cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng sinh học phong phú và văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số.

Vùng núi Đông Bắc Việt Nam với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và văn hóa phong phú là khu vực lý tưởng cho phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa tâm linh. Việc khai thác hợp lý và bền vững các điểm du lịch ở khu vực này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và duy trì bản sắc văn hóa địa phương. Một trong những khu vực tiềm năng trong việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch văn hóa tâm linh ở phía Đông Bắc chính là Mẫu Sơn, Lạng Sơn.

Mẫu Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn – là tỉnh miền núi phía Đông Bắc Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 231,74km. Với nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh… tạo nên bức tranh văn hóa đa màu, thống nhất. Mảnh đất địa đầu Tổ quốc này trong lịch sử đã làm nên biết bao chiến công hiển hách, tạo nên những biến động lịch sử to lớn (5). Với truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cùng với điều kiện thuận lợi về giao thông, giao thương, trong xu thế mở cửa, hòa nhập kinh tế thế giới sẽ tạo ra các điều kiện thuận lợi để Lạng Sơn đẩy mạnh kinh tế thương mại du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.

2. Các khái niệm về du lịch

Liên quan đến khái niệm du lịch, theo Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ban hành ngày 19/6/2017 của Quốc hội, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”. “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường. “Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại” (3).

Bên cạnh đó, phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

3. Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp du lịch văn hóa tâm linh tại Mẫu Sơn

Mẫu Sơn là địa danh nằm trên vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn), đỉnh Mẫu Sơn với khoảng 80 ngọn núi lớn nhỏ liền kề nhau. Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía Đông Bắc, theo quốc lộ 4B. Đường đến di tích, từ thành phố Lạng Sơn theo quốc lộ 4B (Lạng Sơn – Đình Lập) đến Km 15 rẽ trái, đi khoảng 15km đèo dốc quanh co thì đến Khu du lịch Mẫu Sơn. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, cùng với Đà Lạt, SaPa, Bà Nà, Tam Đảo… người Pháp đã khảo sát, nghiên cứu và chọn Mẫu Sơn làm nơi xây dựng những biệt thự sang trọng cho các quan chức Pháp nghỉ dưỡng. Nằm trên độ cao 1.200m – 1.541m so với mặt nước biển, khí hậu ở đây mang nhiều tính chất của vùng á nhiệt đới và ôn đới, do vậy mùa hè mát mẻ, mùa đông buốt giá. Đặc biệt, đỉnh Mẫu Sơn là một trong hai đỉnh núi ở phía Bắc nước ta thường xuất hiện tuyết rơi vào mùa Đông (5).

Theo Quyết định số 240/QĐ-TTg, ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, “Phát triển Khu DLQG (Du lịch Quốc gia) Mẫu Sơn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh và văn hóa tộc người; bảo đảm an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Phát triển Khu DLQG Mẫu Sơn theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư; chú trọng kết nối với các khu điểm có tiềm năng phát triển du lịch trong tỉnh và các vùng lân cận để tạo tuyến du lịch liên hoàn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch. Tập trung đầu tư khai thác thế mạnh đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, địa hình, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (Nùng, Dao…) để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định thương hiệu du lịch Mẫu Sơn (4).

Quyết định số 240/QĐ-TTg, ngày 20/2/2017 cũng xác định rõ tiềm năng và định hướng phát triển du lịch Mẫu Sơn đến năm 2030 với 3 phân khu:

 Phân khu du lịch nghỉ dưỡng Mẫu Sơn ở khu vực phía Tây Mẫu Sơn (thôn Khuổi Lầy, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, thôn Khuổi Tẳng và thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình): Tập trung khai thác tiềm năng nổi bật về cảnh quan và sinh thái núi Phặt Chỉ; phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí, tổ chức các hoạt động thể thao ngoài trời…

Phân khu du lịch tâm linh Mẫu Sơn ở khu vực phía Đông Mẫu Sơn (thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình): tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh Khu Linh địa – đền cổ Mẫu Sơn cùng với cảnh quan sinh thái của hệ thống thác nước, rừng nguyên sinh dọc theo các dòng suối lớn như suối Nà Mìu, suối Long Đầu, suối Lặp Pịa… để phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng và tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Mẫu Sơn gắn với du lịch sinh thái.

Phân khu du lịch khám phá Mẫu Sơn ở khu vực phía Nam Mẫu Sơn (thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình): khai thác phong cảnh thiên nhiên của hồ Thâm Xeo, suối Khuôn Vạn và văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá, du lịch cộng đồng (4).

4. Những khó khăn, thách thức trong việc phát triển du lịch tại khu vực Mẫu Sơn

 Việc phát triển du lịch tại Mẫu Sơn, Lạng Sơn còn gặp phải nhiều khó khăn và thách thức, từ cơ sở hạ tầng, quản lý đến môi trường và văn hóa. Dưới đây là một số khó khăn chính trong quá trình phát triển du lịch Mẫu Sơn:

– Cơ sở hạ tầng chưa phát triển: Cụ thể, “hệ thống giao thông dẫn đến Mẫu Sơn còn kém phát triển, nhiều tuyến đường nhỏ, gập ghềnh và không được bảo trì thường xuyên, gây khó khăn cho việc di chuyển của du khách. Đặc biệt, vào mùa mưa, tình trạng đường lầy lội càng khiến việc tiếp cận khu vực này trở nên khó khăn” (6).

Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ và các dịch vụ ăn uống còn hạn chế. Nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, đặc biệt là các dịch vụ tiện ích hiện đại và chất lượng cao.

– Quản lý và quy hoạch chưa đồng bộ:

+ Thiếu quy hoạch tổng thể: Việc phát triển du lịch chưa có một quy hoạch tổng thể và chiến lược dài hạn, dẫn đến sự phát triển tự phát, manh mún và thiếu bền vững. Theo ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn: “Các dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Chẳng hạn như các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử xuống cấp, thiếu công trình vệ sinh đạt chuẩn; thiếu khu vui chơi giải trí cho du khách. Các hướng dẫn viên yếu về ngoại ngữ và các kiến thức văn hóa, xã hội. Ngoài ra, tại một số điểm du lịch, tình trạng “chèo kéo” du khách còn xảy ra, dẫn đến sức hút để du khách lưu trú dài ngày giảm và khả năng quay trở lại của họ không cao” (7).

+ Quản lý chưa hiệu quả: Cơ quan quản lý du lịch địa phương còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng quản lý chuyên nghiệp. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả quản lý kém và khó khăn trong việc triển khai các dự án phát triển du lịch. Ví dụ như dự án cáp treo Mẫu Sơn là dự án trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn nằm trong lộ trình phát triển du lịch Mẫu Sơn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án với quy mô xây dựng trên 690ha với tổng mức đầu tư trên 7.300 tỉ đồng được khởi công từ ngày 20/5/2022 nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu” do công tác quản lý quy hoạch không được thực hiện đúng đắn, dẫn đến sự không đồng bộ trong việc phân bổ đất đai và quy hoạch công trình, gây khó khăn trong triển khai dự án (8).

– Nguồn nhân lực chưa đáp ứng:

+ Thiếu kỹ năng và kiến thức: Người dân địa phương chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ năng và kiến thức du lịch, dẫn đến việc cung cấp dịch vụ chưa chuyên nghiệp. Hướng dẫn viên du lịch thiếu kinh nghiệm và khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ cũng là một hạn chế lớn.

+ Thiếu sự tham gia của cộng đồng: Cộng đồng địa phương chưa thực sự nhận thức được vai trò và lợi ích của du lịch, dẫn đến thiếu sự tham gia tích cực trong các hoạt động phát triển du lịch.

– Thách thức về kinh tế:

+ Nguồn vốn đầu tư: Thiếu nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và các dự án du lịch là một thách thức lớn. Nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư còn e ngại do chi phí đầu tư cao cùng những rủi ro về khả năng thu hồi vốn.

+ Chi phí vận hành: Chi phí vận hành các dịch vụ du lịch tại khu vực này có thể cao hơn so với các khu vực khác do điều kiện địa lý và khí hậu khắc nghiệt.

5. Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh tại Mẫu Sơn

Quyết định số 240/QĐ-TTg, ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch Tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn xác định rõ định hướng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch Mẫu Sơn đến năm 2030 đạt 3.800 buồng, trong đó có 1000 buồng đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Phân khúc khách sạn cao cấp, homestay, biệt thự nghỉ dưỡng được ưu tiên phát triển. Ngoài ra, các cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở thương mại, dịch vụ, phục vụ ăn uống… cũng được chú trọng phát triển.”

Để đạt được các mục tiêu trên, cần thực hiện ngay các giải pháp quy hoạch bao gồm các giải pháp quy hoạch về quản lý, chính sách thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các sản phẩm du lịch…

Theo đó, giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch là: đẩy mạnh rà soát, lập quy hoạch chi tiết các không gian du lịch và các dự án thành phần; ban hành Quy chế quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch Khu DLQG Mẫu Sơn. Thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ 2 năm/lần, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quy hoạch (4).

Huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng. Tập trung nâng cấp hệ thống giao thông kết nối từ thành phố Lạng Sơn đến Khu DLQG Mẫu Sơn và hệ thống tuyến giao thông từ trung tâm Khu DLQG đến các điểm du lịch chính. Đầu tư hệ thống cung cấp điện nước sinh hoạt và thu gom xử lý chất thải đáp ứng nhu cầu phát triển của Khu DLQG Mẫu Sơn.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tập trung xúc tiến, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm, các dự án đầu tư theo Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này, trong đó ưu tiên các dự án phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng cao cấp.

Giải pháp về cơ chế chính sách, thu hút và khuyến khích đầu tư: Nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế đặc thù áp dụng vào Khu DLQG Mẫu Sơn. Huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; tập trung nâng cấp hệ thống giao thông kết nối từ thành phố Lạng Sơn đến Khu DLQG Mẫu Sơn và hệ thống tuyến giao thông từ trung tâm Khu DLQG đến các điểm du lịch chính; đầu tư hệ thống cung cấp điện nước sinh hoạt và thu gom xử lý chất thải đáp ứng nhu cầu phát triển của Khu DLQG Mẫu Sơn.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tập trung xúc tiến, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm, các dự án đầu tư theo Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này, trong đó ưu tiên các dự án phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng cao cấp.

Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch phục vụ Khu DLQG Mẫu Sơn; đa dạng hóa các hình thức đào tạo; tổ chức các chương trình đào tạo nghiệp vụ và giáo dục tại các điểm du lịch cộng đồng. Tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Chú trọng dạy nghề nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề du lịch cho lao động gián tiếp, người dân địa phương tham gia kinh doanh du lịch. Áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tại các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch tại Khu DLQG Mẫu Sơn (2).

Giải pháp về phát triển thị trường – sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch: Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Khu DLQG Mẫu Sơn như sau, Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp sử dụng các loại thảo dược quý của vùng núi Mẫu Sơn; du lịch văn hóa tâm linh gắn với di tích Linh địa – đền cổ Mẫu Sơn và Phặt Chỉ; du lịch sinh thái, du lịch tham quan, khám phá cảnh quan kết hợp tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc gắn với các tuyến du lịch đi bộ dã ngoại. Nâng cao chất lượng dịch vụ: lưu trú du lịch, vận chuyển khách du lịch, vệ sinh công cộng; tăng cường công tác quản lý không để xảy ra tình trạng bán hàng rong, chèo kéo, ép giá khách du lịch, bảo đảm chất lượng môi trường du lịch, an ninh, an toàn cho du khách. Mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ ẩm thực, các món ăn truyền thống dân tộc, các đặc sản tự nhiên của vùng; chú trọng phát triển các cơ sở dịch vụ ẩm thực như nhà hàng, chợ văn hóa du lịch, phiên chợ vùng cao… Thường xuyên tìm hiểu thị trường, nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch để giới thiệu sản phẩm du lịch phù hợp (2).

Bên cạnh đó, cần áp dụng giải pháp về xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch Mẫu Sơn là nghỉ dưỡng núi kết hợp với chăm sóc sức khỏe và du lịch văn hóa tâm linh. Thúc đẩy tuyên truyền quảng bá thông qua các kênh marketing. Tổ chức các chương trình kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch, kết hợp với các đơn vị lữ hành ở Hà Nội và vùng Trung du miền núi phía Bắc để giới thiệu và thu hút khách du lịch đến với Khu DLQG Mẫu Sơn (2).

Ngoài ra, Quyết định này cũng đưa ra giải pháp liên kết các điểm du lịch trong tỉnh Lạng Sơn, các điểm, Khu DLQG khác trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, hợp tác liên kết với các trọng điểm du lịch trên tuyến hành lang Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đồng thời ứng dụng khoa học, công nghệ 3R (Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế) trong các cơ sở dịch vụ du lịch nhằm khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường. Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh du lịch như: marketing trực tuyến, khai thác mạng xã hội… cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương. Xây dựng phần mềm quản lý, báo cáo thống kê phục vụ công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch.

Giải pháp tôn tạo cảnh quan, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu và giải pháp đảm bảo an ninh quốc phòng tại Mẫu Sơn: Thực hiện kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động tham quan, du lịch theo quy chế quản lý hoạt động của Khu DLQG. Triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; quy định cụ thể về các hoạt động của khách du lịch và cộng đồng dân cư để đảm bảo an ninh, quốc phòng (2).

6. Kết luận

Mẫu Sơn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nhờ vào cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và khí hậu đặc biệt. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại đây đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Để vượt qua những khó khăn này, cần có một chiến lược phát triển tổng thể và bền vững, bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ môi trường và di sản văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư. Khi đó, Mẫu Sơn sẽ thực sự trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn và phát triển bền vững.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

(1). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, & Bộ Tài nguyên và Môi trường. (2013). Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 về Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

(2). Thủ tướng Chính phủ. (2013). Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2013.

(3). Quốc hội. (2017). Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ban hành ngày 19/6/2017, hiệu lực từ ngày 01/01/2018, chương I.

(4). Thủ tướng Chính phủ. (2017). Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 20/2/2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030.

(5). Wikipedia.org. Mẫu Sơn. Trong Wikipedia tiếng Việt. Truy cập từ https://vi.wikipedia.org/wiki/Mẫu_Sơn.

(6) Báo Lạng Sơn. (2023). Bảo đảm giao thông đường lên khu du lịch Mẫu Sơn. Báo Lạng Sơn. https://baolangson.vn/bao-dam-giao-thong-duong-len-khu-du-lich-mau-son-1076096.html.

(7) Vietnamtourism.gov.vn. (2014).Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ở Xứ Lạng: Cần giải pháp quyết liệt. Truy cập tại https://vietnamtourism.gov.vn/post/14766 .

(8) Hiền, T. T. (2012). Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

(9) Báo Lạng Sơn. (2022). Khởi công dự án quần thể khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn trị giá hơn 7.300 tỉ đồng. Truy cập tại https://baolangson.vn/khoi-cong-du-an-quan-the-khu-du-lich-sinh-thai-cap-treo-mau-son-tri-gia-hon-7-300-ty-dong-1500937.html

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR TOURISM DEVELOPMENT

IN MAU SON, LANG SON PROVINCE

• PHAM THU HUONG

Center for National Defense and Security Education, Hai Phong University

ABSTRACT:

This paper analyzed and evaluated the tourism potential of Mau Son area, Lang Son province. Based on the paper’s findings, some solutions were proposed to facilitate the sustainable development of eco-resort tourism and spiritual cultural tourism in this area. Thanks to its advantages in terms of climate, natural landscape, and the values of the pure national cultural identity of ethnic minorities living around the mountain top, Mau Son has great eco-tourism development potential. It is important to increase investment to support and ensure the sustainable development of eco-tourism in Mau Son.

Keywords: eco-resort, eco-tourism, spiritual cultural tourism, Mau Son, Lang Son province.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghê, số 11 tháng 6 năm 2024]

Nguồn: Tapchicongthuong.vn