Thủy điện An Khê – Ka Nak: Hiệu quả từ áp dụng Nhật ký vận hành điện tử

TCCT
Đẩy mạnh số hóa, áp dụng thành công Nhật ký vận hành điện tử, các nhà máy Thủy điện An Khê – Ka Nak vận hành an toàn, tin cậy, thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.

Nhật ký vận hành điện tử là giải pháp số hóa quy trình nghiệm vụ trong công tác quản lý vận hành sản xuất điện nhằm thay đổi sổ nhật ký truyền thống viết tay trước đây thành quy trình số. Ứng dụng bao gồm Sổ nhật ký vận hành, các biểu mẫu ghi thông số vận hành, sổ theo dõi sự cố, khiếm khuyết thiết bị…

Ứng dụng Nhật ký vận hành điện tử được Thủy điện An Khê – Ka Nak cài đặt trên các máy tính tại phòng điều khiển trung tâm để CBCNV các nhà máy nhập và lưu thông số vận hành một cách nhanh chóng, thuận tiện. Sau khi ghi nhận, dữ liệu từ máy tính bảng sẽ được đồng bộ về máy tính chủ và phần mềm hệ thống quản lý kỹ thuật (PMIS).

ứng dụng Nhật ký vận hành điện tử
Phần mềm Nhật ký vận hành điện tử tại các nhà máy của Thủy điện An Khê – Ka Nak

Thực tế Công trình Thủy điện An Khê – Ka Nak thuộc bậc thang trên cùng của hệ thống thủy điện sông Ba bao gồm 2 nhà máy, đó là Nhà máy Thủy điện An Khê (2x80MW) và Nhà máy Thủy điện Ka Nak (2x 6,5MW).

Trước đây, tại 2 Nhà máy, việc ghi chép nhật ký vận hành đều được thực hiện bằng bản giấy, do đó gặp nhiều hạn chế như thao tác ghi chép chậm, dễ sai sót, việc thu thập dữ liệu và tổng hợp đánh giá, tìm kiếm thông tin vì thế cũng mất nhiều thời gian, khó thống kê, nhất là khi tra cứu phân tích thông tin để làm cơ sở xây dựng số liệu dự báo về thiết bị…

nhận viên vận hành ứng dụng
Nhân viên vận hành Thủy điện An Khê – Ka Nak sử dụng phần mềm Nhật ký vận hành điện tử

Ngoài ra, vì phải lưu trữ số lượng lớn giấy tờ, sổ sách, ở phương thức này việc bảo quản dữ liệu, không gian lưu trữ rất nhiều hạn chế, kèm theo đó đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp bảo quản thủ công chống mối mọt, ẩm mốc, dễ gây cháy… vì mỗi ngày, có 7 bản ghi thông số cả cơ và điện cho 2 tổ máy. Vào các đợt sửa chữa các tổ máy thì số lượng này lên đến hàng chục phiếu (từ 20 phiếu trở lên), mỗi tháng có 4 quyển sổ bao gồm sổ đăng ký công tác, sổ giao nhận ca, sổ ghi thông số thủy văn hồ, sổ nhật ký vận hành. Như vậy, hàng năm, kho lưu trữ của Công ty tiếp nhận hàng trăm bản cứng của Nhật ký vận hành các loại.

Với mục tiêu số hóa tất cả các dữ liệu vận hành, Công ty đã nghiên cứu áp dụng Nhật ký vận hành điện tử với các chức năng chính là cập nhật, tra cứu, ghi nhận các thông số vận hành, các sự kiện, các khiếm khuyết, sự cố của thiết bị theo ngày, theo ca vận hành. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực công tác quản lý vận hành giúp Thủy điện An Khê – Ka Nak dễ dàng theo dõi và sử dụng trong công tác hàng ngày, ứng dụng để ghi chép lại các thao tác, diễn biến xảy ra trong ca làm việc đến khi bàn giao thiết bị và ký giao nhận ca.

Thực tế cho thấy áp dụng Nhật ký vận hành điện tử đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho Thủy điện An Khê – Ka Nak giúp Công ty quản lý vận hành các nhà máy an toàn, tin cậy các thiết bị, giảm thiểu số lần sự cố, phát hiện nhanh chóng và kịp thời khắc phục các bất thường thiết bị; thuận tiện theo dõi thông số vận hành các tổ máy, các thao tác trong ca trực và rút ngắn được thời gian ghi chép, thu thập dữ liệu và tránh sai sót trong cập nhật dữ liệu; dữ liệu vận hành được số hóa nên dễ bảo quản, lưu trữ, điều tra bất thường, sự cố nhanh chóng, chính xác; giảm chi phí in số, bảng ghi thông số, chi phí lưu kho, bảo quản…

Với ứng dụng số này CBCNV vận hành, sửa chữa của Công ty cũng giảm bớt áp lực, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, sử dụng Nhật ký vận hành điện tử Công ty đã giảm thiểu đáng kể công tác in ấn, lưu trữ sổ sách giấy tờ, giảm chi phí trong thực hiện việc mua sắm các vật tư, văn phòng phẩm.

Thời gian tới, Thủy điện An Khê – Ka Nak cho biết sẽ phối hợp hoàn thiện và áp dụng triệt để phần mềm Nhật ký vận hành điện tử như việc cấp phiếu công tác, phiếu thao tác điện tử… thay thế hoàn toàn bản giấy, số hóa hoàn toàn công tác quản lý vận hành nhà máy thủy điện, sử dụng công nghệ thông tin để tăng cường quản lý an toàn điện, kiểm soát quá trình thực hiện thao tác vận hành thiết bị điện của CBCNV giúp tránh sai sót do lỗi chủ quan hoặc thực hiện không đúng theo quy trình.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn