TCCT
Việc phục hồi sản xuất công nghiệp trong năm 2024 được dự báo vẫn còn nhiều thách thức, cần có biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như có các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.
Tín hiệu tích cực trong phục hồi sản xuất công nghiệp
Công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ,…
Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước giảm 2,2%), trong khi chỉ số tồn kho giảm là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.
Cụ thể, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2024 giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước giảm 2,2%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2024 tăng 7,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,9%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2024 là 76,9% (bình quân sáu tháng đầu năm 2023 là 83,1%).
Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, thực hiện “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ” quy định chi tiết tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, Cục Công nghiệp đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thông qua các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; kết nối với các Tập đoàn lắp ráp đa quốc gia và các nhà cung ứng lớp trên thế giới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI…
Theo đó, Cục Công nghiệp đã tổ chức các hội thảo để đánh giá về năng lực của các doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối các doanh nghiệp và công bố kết quả đạt được; tổ chức chương trình xúc tiến thị trường và các khóa đào tạo hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nâng cao kỹ năng kết nối khách hàng và tìm kiếm đối tác tiềm năng.
Bên cạnh đó, tổ chức các hội chợ công nghiệp giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực thương mại, đẩy mạnh liên kết trong nội địa của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu; gia tăng giá trị xuất khẩu và xúc tiến phát triển thị trường tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Cục Công nghiệp cũng xuất bản và phát hành rộng rãi hàng nghìn quyển sách, tài liệu về các chương trình công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được tham gia vào các hoạt động của Chương trình đều có phản hồi tích cực về tính hiệu quả và thiết thực mà các hoạt động mang lại cho họ. Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình để thúc đẩy hơn nữa năng lực kết nối với đối tác, khách hàng lớn, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các thị trường tiềm năng và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Gỡ khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, còn nhiều khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo gặp phải, cụ thể:
Do quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của các đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng,…
Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.
Nhận diện được những khó khăn nêu trên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh đề xuất cần phải có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho.
Cụ thể, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất – tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.
“Cục Công nghiệp sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép… Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.” – Phó Cục trưởng Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nửa đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 20 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, sản phẩm dệt may xuất khẩu sang 113 nước với thị trường chính là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ngành đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tận dụng các FTA để thúc đẩy xuất khẩu. Vì vậy, để mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu sản phẩm dệt may thời gian tới, ông Cẩm đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về cung cấp thông tin thị trường, chính sách của nước sở tại… nhằm định hướng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đồng tình với đề nghị của ông Trương Văn Cẩm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam đề xuất thêm Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật thông tin cảnh báo về các nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng da giày, túi xách tại thị trường sở tại, cập nhật hướng dẫn thực thi đạo luật chống phá rừng và đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng mới ban hàng của EU để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị đáp ứng…
Về thông tin chính sách của nước sở tại, ông Đỗ Ngọc Hưng – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, dự báo tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mùa thu đông đang đến cũng như các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm bầu cử vào tháng 11/2024.
“Đề nghị ngành hàng tiếp tục lưu ý các quy định của Hoa Kỳ về Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương (UFLPA), phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ phản ánh kịp thời với Cơ quan Hải quan và biên phòng Hoa Kỳ giải quyết kịp thời các lô hàng bị dừng tại cửa khẩu; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tham gia tích cực và hiệu quả Hội chợ quốc tế về dệt may và da giày Magic Show tổ chức tại Las Vegas trong thời gian tới”- ông Đỗ Ngọc Hưng đề nghị.
Với mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phù tùng, theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, uất khẩu sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt 7,3 tỷ USD, tăng 11% (chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp kết nối, giới thiệu đối tác, tổ chức tham dự Hội chợ chuyên đề như: phối hợp Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ VASI tham dự Hội chợ Fabtech 2024 vào từ 13-22/10 tại Orlando (đã giới thiệu đối tác IRECO RFQ…); Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí điện Hamee tham dự Hội chợ IMTS do Hiệp hội Công nghệ sản xuất Hoa Kỳ tổ chức tại Chicago vào tháng 9/2024 và làm việc tại một số bang; Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (đã giới thiệu đối tác the Canon Group, Inc v.v.); phối hợp Tập đoàn THACO để nghiên cứu hướng mở Văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ cũng như đa dạng hoá đối tác thu mua sản phẩm sau khi đã xuất khẩu sản phẩm chủ lực Sơ-mi Rơ-móoc sang Hoa Kỳ.
“Đề nghị các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học và công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm; không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.”- ông Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh.
Tại thị trường Australia, ông Nguyễn Phú Hoà – Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia thông tin, các mặt hàng thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo (màu vàng) luôn mặt hàng xuất chủ lực của Việt Nam sang Australia; trong đó, riêng tổng 4 loại mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm tới 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này trong 6 tháng đầu năm (chưa bao gồm một số mặt hàng sản phẩm khác cùng lĩnh vực có kim ngạch nhỏ hơn như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…)
Còn tại thị trường Australia, sản phẩm chế biến, chế tạo Việt Nam (điện thoại, máy vi tính, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh…) rất phổ biến, có thể dễ dàng tìm thấy các sản phầm “Made in Vietnam” thuộc nhóm ngành này trong các hệ thống siêu thị điện máy lớn như JB-HiFi, Harvey Norman, IKEA…
Tuy nhiên, thị trường Australia có quy định, rào cản kỹ thuật, rất khắt khe, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Hơn nữa, hàng hoá Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh về chế biến chế tạo như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…; Việt Nam cũng không phải là đối tác FTA duy nhất của Australia. Đáng lưu ý, Australia có tới 11 FTA đã có hiệu lực với 20 đối tác, 9 FTA khác đang đàm phán hoặc chưa có hiệu lực với 14 đối tác mới; trong đó, có EU; các FTA đều mang lại nhiều ưu đãi cho các đối tác khác của Australia.
Ông Nguyễn Phú Hoà cũng chỉ ra việc tiêu dùng người dân Australia chú trọng chất lượng sản phẩm với xu hướng đáng chú ý là sản phẩm tiêu dùng được đánh giá dựa trên tiêu chí “giá trị của đồng tiền” hơn là tiêu chí về giá. Chính vì vậy, nếu muốn phát triển tại thị trường Australia, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp tích cực đầu tư nguồn lực tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt bố trí tham gia các sự kiện hội chợ uy tín của Australia liên quan tới các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo như Hội chợ đồ nội thất, hội chợ đồ điện tử, công nghệ… Bởi, việc tham gia hội chợ doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận hàng nghìn đối tác, nhà nhập khẩu, đồng thời nắm bắt được xu hướng sản phẩm, nhu cầu thị hiếu thị trường…
Mặt khác, tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA; trong đó, tập trung vào 3 FTA mà Việt Nam và Australia đều là thành viên với những ưu đãi về thuế quan; nghiên cứu, tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các bộ ngành góp phần tăng cường năng lực, giảm thiểu chi phí.
Đặc biệt, tăng cường hoạt động kết nối thông qua các Hiệp hội, tham gia hình hình mạng lưới Hiệp hội mạnh để tận dụng sức mạnh tổng hợp các nguồn lực đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lớn từ các nước. Thường xuyên, chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, các chính sách mới của cơ quan chức năng liên quan tới sản phẩm xuất khẩu.
Dự báo trong năm 2024 phục hồi sản xuất công nghiệp vẫn còn thách thức cần có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ sản xuất và các biện pháp kích thích tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho.
Theo đó, để lấy lại đà tăng trưởng cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn