TCCT
Tại sao Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia lại được người trong ngành Điện gọi là “A0”, dù tên viết tắt chính thức của Trung tâm thực tế là EVNNLDC?
Tại sao là “A0”?
Đúng 30 năm trước, để chuẩn bị tiếp quản vận hành hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc – Nam, ngày 11/4/1994, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã ký quyết định thành lập Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0).
Đến nay, nhiều người vẫn thắc mắc tại sao Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia lại được người trong ngành Điện gọi là “A0”, dù tên viết tắt chính thức của Trung tâm thực tế là EVNNLDC.
Lịch sử tên gọi “A0” được dựa trên nền tảng đặt tên theo cơ cấu ngành điện đã được thiết lập trước đó.
Khi quyết định thành lập Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia để chuẩn bị cho việc vận hành hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc – Nam, Bộ Năng lượng đã chọn tên gọi “A0”. Lựa chọn này dựa trên cơ cấu ngành điện đã tồn tại, với các Điều độ miền được gọi là A1, A2, và A3.
Thế nhưng, tại sao lại là “A0”, mà không phải là “A4” nối tiếp các A1, A2, A3 đã được đặt sẵn?
Theo lời kể lại của những thế hệ đầu tiên, thời đó khi mà chưa có máy tính và các công cụ hiện đại hỗ trợ, bản vẽ của chúng ta thường được vẽ trên những khổ giấy A1,2,3,4… nếu đặt tên Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia là “A4” thì lại hướng đến một khổ giấy bé nhất trong 4 loại.
Chính vì vậy, cái tên “A0” được ra đời. “A0” không chỉ thể hiện vai trò dẫn đầu mà còn thể hiện sự thống nhất và đoàn kết của hệ thống điện Quốc gia. Khổ giấy A0, thực tế có thể chứa đựng toàn bộ khổ giấy A1, A2, và A3, cũng là biểu tượng cho sự đoàn kết này.
Dồn lực cho thời khắc lịch sử
A0 ra đời có nhiệm vụ quan trọng nhất là chuẩn bị phương thức đóng điện và vận hành hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc – Nam.
Trước thời điểm đóng điện đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 (27/5/1994), hệ thống điện Việt Nam bị chia cắt thành 3 hệ thống điện riêng rẽ: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Các hệ thống điện vận hành độc lập, cấp điện áp truyền tải cao nhất là 220kV. Để liên kết 3 hệ thống điện miền là một bài toán vô cùng mới mẻ mà sự phức tạp của nó đã là đề tài bàn luận của rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự tham gia của hàng chục kỹ sư chất lượng cao.
Để chuẩn bị tốt cho việc đóng điện đường dây 500kV đầu tiên, ngay từ tháng 3 – 12/1993, hơn 30 kỹ sư được tuyển chọn từ các đơn vị, Công ty điện lực phía Bắc đã được theo học các khoá đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các khoá đào tạo vận hành và phân tích hệ thống tại Australia, Bỉ.
Từ tháng 1- 5/1994, một không khí làm việc sôi nổi và khẩn trương bao trùm toàn A0 để hoàn thành các công việc cần thiết cho việc hoà điện đường dây 500kV lần đầu tiên dự kiến vào cuối tháng 5/1994.
Cùng với các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia Australia, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của A0 đã kiểm tra, tính toán các phương án phóng điện và hoà điện đường dây 500kV, phương án vận hành hệ thống điện Việt Nam hợp nhất sau khi hoà điện, kiểm tra tính toán các trị số chỉnh định rơle, bảo vệ, viết các phiếu thao tác đóng điện… nhằm đảm bảo việc hoà đường dây 500kV Bắc – Nam và vận hành hệ thống điện quốc gia được an toàn và ổn định nhất. Các công tác chuẩn bị từ việc đào tạo, kiểm tra, tính toán đến lập kế hoạch vận hành đã được tiến hành một cách bài bản.
Và thời khắc lịch sử đã đến. Vào ngày 27/5/1994, tại phòng điều khiển của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo công tác đóng điện đường dây 500kV Bắc – Nam. Các kỹ sư của A0 khi đó đã tiến hành đóng điện thành công đường dây 500kV, đánh dấu thời khắc lần đầu tiên hoà điện 4 tổ máy của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình với hệ thống điện miền Nam. Thời khắc 19h07 ngày 27/5/1994 đã trở thành mốc lịch sử của sự thống nhất hệ thống điện cả nước, đánh dấu bước phát triển mới của hệ thống điện Việt Nam.
Về trực thuộc EVN
Sau đó, ngày 24/10/1995, tại Quyết định số 559 NL/TCCB-LĐ của Bộ Năng lượng, A0 được chuyển về trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Nhiệm vụ mới giao thêm cho Trung tâm là tiếp nhận điều hành trực tiếp tất cả các nhà máy điện có công suất tổ máy trên 30 MW nhằm khai thác hiệu quả tổng hợp các nhà máy điện, đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, ổn định cho các nhu cầu phụ tải trên phạm vi toàn quốc.
Thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, ngày 31/12/1998, với các Quyết định số 82, 83, 84/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp, các Trung tâm Điều độ hệ thống điện Bắc, Trung, Nam được sáp nhập với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, tạo nên Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thống nhất với hai cấp điều độ hệ thống điện Quốc gia và cấp điều độ hệ thống điện miền. Toàn Trung tâm đảm nhận nhiệm vụ điều hành trực tiếp hệ thống điện bao gồm các nhà máy điện có công suất trên 30 MW, hệ thống truyền tải từ cấp điện áp 110kV đến 500kV.
Căn cứ theo Quyết định số 144/EVN/HĐQT-TCCB.LĐ ngày 12/05/1999 và Quyết định số 173/EVN/HĐQT-TCCB-LĐ ngày 19/06/1999 của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia có 5 chức năng chính:
- Lập phương thức hoạt động và chỉ huy vận hành hệ thống điện Quốc gia từ các khâu truyền tải đến phân phối điện năng theo quy trình nhiệm vụ và phân cấp điều độ hệ thống điện Quốc gia đã được phê duyệt.
- Quản lý hệ thống SCADA (kiểm soát, điều khiển, thu thập và quản lý số liệu)/EMS (hệ thống quản lý năng lượng) phục vụ sản xuất.
- Hoạt động tư vấn trong lĩnh vực lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế lắp đặt hệ thống rơle bảo vệ và tự động hoá hệ thống điện, hệ thống SCADA/EMS và hệ thống máy tính chuyên dụng và các dịch vụ khác liên quan đến tính toán hệ thống điện, thiết bị điện, ứng dụng tin học, điều khiển vào sản xuất.
- Quản lý, thiết kế, lắp đặt, bảo quản, sửa chữa hệ thống thông tin viễn thông phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh trong hệ thống điện theo quy chế phân cấp của EVN.
- Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất.
Nhiệm vụ trọng tâm của công tác điều độ hệ thống điện quốc gia là:
- Đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục;
- Đảm bảo sự hoạt động ổn định của toàn bộ hệ thống điện Quốc gia;
- Đảm bảo chất lượng điện năng;
- Đảm bảo hệ thống điện Quốc gia vận hành kinh tế nhất.
Hiện nay, A0 vẫn đang bám sát các nhiệm vụ, chức năng này, đặc biệt nỗ lực tăng cường năng lực không ngừng trong bối cảnh hệ thống điện ngày càng phát triển nhanh về quy mô và đa dạng về loại hình. Trong đó, bài toán nguồn nhân lực và công nghệ là chìa khóa cốt lõi để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chức năng ấy.
Mời quý độc giả đón đọc Bài 2 – Con người A0 trong chuyên đề “Toàn cảnh A0″ đăng tải trên Tạp chí Công Thương.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn