TCCT
Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA) ước tính nếu tình hình kinh doanh nửa cuối năm nay tiếp tục diễn ra thuận lợi như nửa đầu năm, lãi ròng cả năm nay có thể lên tới 400 tỷ đồng.
Vừa qua, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã cổ phiếu GDA – sàn UPCoM) đã tiết lộ, công ty ước tính sản lượng bán hàng trong 6 tháng đầu năm nay đạt 445.000 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Qua đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 200 tỷ đồng, tương đương với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, hoàn thành 67% kế hoạch cả năm. Như vậy, tính riêng trong quý 2/2024, lợi nhuận sau thuế của Tôn Đông Á ước đạt 105 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Tôn Đông Á lập kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 18.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 6% so với năm 2023.
Ban lãnh đạo Tôn Đông Á cho biết nếu hoạt động kinh doanh của công ty diễn ra thuận lợi, lợi nhuận sau thuế năm nay có thể đạt tới 400 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với mục tiêu kinh doanh hiện tại.
Tôn Đông Á hiện đánh giá thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục là kênh bán hàng chủ đạo trong năm nay. Trong khi đó, nhu cầu tại thị trường nội địa vẫn đang ở mức thấp, nhưng sản lượng tiêu thụ có thể phục hồi trong quý 4/2024.
Công ty dự kiến sẽ hoàn thành chủ trương đầu tư nhà máy thép mới tại Phú Mỹ (Vũng Tàu) trong quý 3 này. Nhà máy có công suất 1,2 triệu tấn thành phẩm/năm, gồm 4 giai đoạn với tổng mức đầu tư là 10.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào cuối năm nay.
Riêng giai đoạn 1 của dự án được đầu tư từ 3.000 – 3.500 tỷ đồng với công suất thiết kế đạt 300.000 tấn/năm. Tôn Đông Á dự kiến giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động từ quý 2/2026 và kỳ vọng có thể chạy hết công suất trong nửa cuối năm 2026.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Bộ Công Thương đã quyết định việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nếu Bộ Công Thương ra quyết định chính thức về việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc thì đây sẽ là thông tin tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước nói chung và nhóm doanh nghiệp niêm yết.
Trong đó, Tôn Đông Á được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn nhờ chiếm thị phần cao trên thị trường tôn mạ nội địa.
Đáng chú ý, việc áp thuế đối với tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ giúp cho nhóm doanh nghiệp tôn mạ giảm bớt rủi ro từ việc thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc có thể bị đánh thuế trong tương lai.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn