Truyền tải điện Gia Lai, thuộc Công ty Truyền tải điện 3 đang triển khai nhiều giải pháp nỗ lực quản lý vận hành lưới điện an toàn, trong thời gian tăng cường nhân lực hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3.
Tháng 5, tháng 6, trong khi hàng ngàn cán bộ công nhân viên (CBCNV) ngành điện đang thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3 dưới cái nắng nòng như đổ lửa thì ở khu vực Tây Nguyên lại đang bước vào mùa mưa bão. Những cơn mưa giông nhiệt kèm theo gió giật và sấm sét luôn đe dọa đến sự làm việc an toàn của hệ thống điện.
Để phòng tránh những tác động xấu của thời tiết trong mùa mưa bão, Truyền tải điện Gia Lai đã và đang nỗ lực hết mình triển khai nhiều giải pháp trước và trong mùa mùa mưa nhằm giữ cho lưới truyền tải điện khu vực được vận hành an toàn, góp phần đáp ứng cao nhất việc cung ứng điện liên tục, ổn định cho nhu cầu sử dụng điện của đất nước.
Ông Phùng Vinh – Trưởng phòng Kỹ thuật Truyền tải điện Gia Lai cho biết: để đảm bảo quản lý, vận hành lưới truyền tải điện khu vực tỉnh Gia Lai trong mùa mưa bão, trong điều kiện một phần lực lượng công nhân quản lý vận hành đường dây của đơn vị đã được điều động tham gia hỗ trợ thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối, đòi hỏi đơn vị phải nỗ lực nhiều hơn.
Phương án bố trí, sắp xếp nhân sự được lập phải phù hợp với từng tổ, đội sản xuất, nhằm đảm bảo vị trí, nhiệm vụ của những người được tăng cường cho mạch 3 luôn có sự bù đắp, thay thế, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành hệ thống.
Đồng thời chủ động triển khai các giải pháp kỹ thuật trong quản lý vận hành các tuyến đường dây và trạm biến áp; Ứng dụng tối đa các thiết bị công nghệ để nâng cao hiệu quả công việc; Bố trí lực lượng ứng trực; chuẩn bị vật tư, phương tiện, sẵn sàng xử lý các bất thường trên lưới điện khi cần.
Đối với các tuyến đường dây, tăng cường tần suất sử dụng UAV (đã thiết lập đường bay tự động với công nghệ Lidar) bay kiểm tra dây dẫn và dây chống sét trên toàn bộ các tuyến đường dây 500 kV và 220kV; Sử dụng UAV có camera nhiệt bay đo, soi cách điện Composite các ngăn đường dây 500, 220kV; Đo soi nhiệt độ mối nối, khóa néo, tai lèo, mối nối các đường dây 500, 220kV.
Qua đó, đã phát hiện và xử lý kịp thời một số bất thường (tưa dây, bị phát nhiệt) của dây dẫn, dây chống sét, dây cáp quang tại một số điểm trên các đường dây 500kV Pleiku -Ea Nam; đường dây 220kV Pleiku 2 – Yang Trung; đường dây 500kV Pleiku – Đăk Nông; đường dây 500kV Pleiku – Đăk Nông; đường dây 220kV Pleiku 2 – Bờ Y, Hưng Hải – Phước An.
Đồng thời, kết hợp trong các đợt cắt điện thực hiện vệ sinh cách điện và đi dây kiểm tra dây dẫn, dây chống sét các đường dây 500k và tiến hành xử lý tiếp xúc lèo dây dẫn, tiếp xúc dây chống sét, dây cáp quang tại các điểm tiếp xúc kém; Triển khai vệ sinh cách điện Hotline một số đường dây 500kV, 220kV bị nhiễm bẩn.
Ông Vinh còn cho biết: Qua thực tế vận hành những năm qua số lần sự cố do sét chiếm tỷ lệ rất lớn nên đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ngăn ngừa sự cố do sét; thực hiện vệ sinh, xử lý bề mặt tiếp xúc cờ tiếp địa định kỳ, xử lý tia tiếp địa lỗi, đứt trong quá trình canh tác của người dân dưới hành lang các đường dây.
Một mặt đơn vị tổ chức tuyên truyền tập trung, tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi tuyên truyền, dán tờ rơi Decal lên các phương tiện vận chuyển để vận động bà con nhân dân sinh sống gần đường dây, nhất là các cháu học sinh khi kỳ nghỉ hè đến không có những hoạt động, vui chơi, thả diều gần các đường dây cao áp tránh gây sự cố cho đường dây. Ngoài ra đơn vị còn làm việc với các nông trường, công ty cao su và các hộ dân để tuyên truyền, chặt tỉa cây cao ngoài hành lang các đường dây 500kV, 220kV góp phần vận hành an toàn lưới Truyền tảiđiện khu vực.
Đối với công tác quản lý vận hành tại các trạm biến áp: tăng cường thực hiện kiểm tra, làm kín các tủ bảng ngoài trời, các rơ le trên mặt các máy biến áp, kháng điện tránh nước mưa thấm vào làm ẩm, chạm chập gây sự cố; Lắp đặt cảm biến điều khiển sấy theo nhiệt độ, độ ẩm chống ẩm cho thiết bị trong tủ bảng diều khiển, bảo vệ ngoài trời, trong nhà.
Qua kiểm tra trong vận hành đã phát hiện và xử lý ngay nột số tồn tại thiết bị: xử lý hiện tượng phát nhiệt tại một số điểm tiếp xúc dao cách ly 220kV; thay 03 TI 500kV làm việc không tin cậy tại Trạm biến áp 500kV Pleiku; Kiểm tra và thay thế mới các bộ giảm chấn thủy lực tại tủ truyền động cho các máy cắt trung tính tại Trạm biến áp 500kV Pleiku 2;…
Bên cạnh đó, Đơn vị cũng tăng cường công tác tự đào tạo, tổ chức diễn tập các phương án xử lý sự cố cho lực lượng quản lý vận hành, nhằm huấn luyện độ nhuần nhuyễn thuần thục trong việc phối hợp xử lý các tình huống có thể xảy ra trên lưới. Trong đó tập trung vào những tình huống có tính đặc thù với điều kiện địa hình, thời tiết và tinh hình vận hành thiết bị trên địa bàn đơn vị quản lý, như:
Xử lý sự cố phóng điện qua chuỗi cách điện Composite đường dây 500kV; Xử lý dây dẫn có nhiều điểm bị tổn thương lõi thép trong quá trình thi công; Diễn tập xử lý một số tình huống giả định hư hỏng thiết bị tại các Trạm biến áp 500kV và 220kV; Diễn tập phương án PCTT và TKCN cho tất cả CBCNV đơn vị và Lực lượng bảo vệ;…
Nguồn: Tapchicongthuong.vn