TCCT
Việc chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu đã mở ra những cơ hội phát triển mới, khẳng định uy tín, chất lượng, giá trị thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường cho các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, tăng độ nhận diện cũng như uy tín khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đây cũng là động lực để các cơ sở CNNT tiếp tục nghiên cứu đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Giai đoạn 2016-2022, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức 2 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh (năm 2016 và năm 2022). Kết quả, có 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Năm 2016 có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc, năm 2024 có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc. Các sản phẩm được công nhận đã từng bước khẳng định được chất lượng, mẫu mã, thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao nhận thức, tạo động lực cho cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ mới, thay đổi quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Từ hiệu quả của công tác bình chọn, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Trung tâm) chú trọng đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm như: Các sản phẩm được cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; tư vấn lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm; được đăng tải thông tin giới thiệu về sản phẩm trên các phương tiện thông tin ở địa phương; được tham gia xét bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực theo quy định; được ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm; tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu; xây dựng trang thông tin điện tử (website) của cơ sở và các nội dung ưu tiên, hỗ trợ khác để phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Ngoài ra, giai đoạn 2016-2023 đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 10 đơn vị có sản phẩm CNNT tiêu biểu được công nhận với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Khảo sát, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số cho 1 cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Đồng thời, để tiếp nối quá trình hỗ trợ ứng dụng thiết bị trong sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường, Sở Công Thương, Trung tâm đã tạo điều kiện, kết nối cho các đơn vị tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, tham gia các hội chợ triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu nhằm quảng bá và giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh giúp các cơ sở tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, giai đoạn 2020 – 2022 là giai đoạn các cơ sở CNNT chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Trung tâm vẫn duy trì các nội dung hoạt động khuyến công để đồng hành cùng các cơ sở vượt qua khó khăn. Tuy nguồn kinh phí hỗ trợ chưa phải là nhiều nhưng đã thể hiện được sự đồng thuận của các cấp, các ngành trong việc khuyến khích phát triển CNNT, hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở đứng vững trên thị trường, giảm bớt một phần khó khăn trong đại dịch Covid-19. Các đề án khuyến công đã góp phần tăng thêm nguồn lực để các cơ sở đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Tuy nhiên, việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, chi phí đầu tư cho sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường. Đa số cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Năng lực nội tại, trong đó có năng lực tài chính xã còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có. Trong tiếp cận nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ yêu cầu cơ sở phải có vốn đối ứng nên nhiều cơ sở chưa mặn mà, thậm chí không có khả năng đối ứng… Các đơn vị thường gặp khó khăn trong việc kết nối đầu ra cho sản phẩm; công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức…
Để hoạt động khuyến công, bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho cơ sở CNNT, trong thời gian tới, Sở Công Thương, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tốt công tác bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh và tham gia bình chọn cấp khu vực, cấp Quốc gia đạt kết quả cao; tiếp tục tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách, đề xuất hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm tiêu biểu để phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng đến phát triển bền vững.
Đồng thời, sẽ kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương vì đây là cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia kết nối thị trường, liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện quảng bá phát triển thương hiệu, mở đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn