Việt Nam là nguồn cung thủy sản lớn thứ 5 cho Singapore trong hai quý liên tiếp

TCCT
Thị phần thủy sản tại thị trường Singapore nhìn chung vẫn được chia đều cho các đối tác do mỗi nước đều có những thế mạnh xuất khẩu riêng và chi phối từng phân khúc khác nhau. Việt Nam chiếm lĩnh thị trường với sản phẩm cá phi lê đông lạnh và cá chế biến.

Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore dẫn số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 546,14 triệu SGD, giảm 3,42% so với cùng kỳ năm 2023.

Sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản vào Singapore ngày càng lớn

Nhóm sản phẩm thủy sản chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Singapore gồm: tôm, cua, thủy sản giáp xác (HS0306), chiếm 24,42% tổng lượng tiêu thụ của thị trường; tiếp đến là cá tươi, ướp lạnh (HS0302), chiếm 19,65%; Phi lê cá, thịt cá ướp lạnh hoặc đông lạnh (HS0304), chiếm 18,15%; cá đông lạnh (HS0303) chiếm 15,75%; thủy sản thân mềm (HS0307) chiếm 10,67%… Các nhóm mặt hàng như cá tươi, cá chế biến và thủy sản thủy sinh chiếm tỷ trọng tương đối thấp, lần lượt là 3,74%; 4,8% và 2,81%.

Trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu, tiếp theo là Na Uy ở vị trí thứ 2, Indonesia xếp hạng thứ 3, Trung Quốc xếp thứ 4, và Việt Nam lần đầu tiên duy trì vị trí thứ 5 trong 2 quý liên tiếp.

thủy sản

Thị phần thủy sản của thị trường Singapore nhìn chung vẫn được chia đều cho các đối tác do mỗi nước đều có những thế mạnh xuất khẩu riêng và chi phối từng phân khúc khác nhau. Trong đó, 6 quốc gia có thị phần lớn nhất chiếm từ 9% – 13%, cụ thể Malaysia (13,55%), Na Uy (11,34%), Indonesia (11,06%), Trung Quốc (10,24%), Việt Nam (9,46%) và Nhật Bản (8,30%).

Malaysia có thế mạnh về các mặt hàng cá tươi sống và tôm, cua, thủy sản giáp xác với thị phần ở 2 phân khúc này lần lượt là 30,64% và 20,92%. Na Uy và Tây Ban Nha có thế mạnh về sản phẩm cá tươi ướp lạnh và cá đông lạnh.

Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh với (chiếm 28,69%) và cá chế biến (chiếm 19.24%). Trung Quốc có lợi thế đối với các sản phẩm thủy sản thân mềm (chiếm 32,53% thị phần) và Nhật Bản có lợi thế về các loại thủy sản thủy sinh (chiếm 37,81% thị phần).

Thị phần còn lại chia đều cho hơn 90 đối tác khác, trong đó có Chile, Ấn Độ, Australia, Thái Lan, Hoa Kỳ…

Để đảm bảo an ninh thực phẩm, Singapore thực hiện chính sách đa dạng nguồn cung, liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường nhập khẩu bằng nhiều chính sách khác nhau. Điều này khiến cho sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản vào Singapore ngày càng lớn“, đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho biết.

thủy sản Singapore

Về mức tăng trưởng của 15 đối tác xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào Singapore, số liệu cho thấy, có 7/15 đối tác tăng trưởng âm và 8/15 đối tác tăng trưởng dương. Một số đối tác có mức tăng trưởng mạnh như: Argentina (tăng 1,47 lần), Chile (tăng 73,7%).

Kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 0,81% (giá trị xuất khẩu đạt gần 51,7 triệu SGD), chiếm thị phần 9,46%. Các số liệu thống kê ở bảng 3 và bảng 4 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Singapore trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh ở nhóm Cá tươi – HS0301 (tăng 25,42%), trong khi đó có sự sụt giảm mạnh ở 3 nhóm hàng là: Nhóm Cá tươi ướp lạnh– HS0302 (giảm 26,93%), Nhóm cá đông lạnh – HS0303 (giảm 39,42%), Nhóm thủy sản thủy sinh – HS0308 (giảm 23,08%).

thủy sản Việt Nam

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương

Các số liệu thống kê thể hiện được vị trí và vai trò quan trọng của thủy sản Việt Nam tại thị trường Singapore. Lần đầu tiên thủy sản Việt Nam duy trì vị trí số đối tác lớn thứ 5 liên tiếp trong 2 quý.

Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, để có thể tăng thị phần bền vững, nâng cao thứ hạng cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Singapore, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản, mặc dù hiện nay chưa có vụ việc đáng tiếc nào liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm được thông báo cho Thương vụ.

Mặt khác, tình trạng lạm phát đang cao cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản các nước xuất khẩu vào Singapore, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, xung đột ở một số khu vực trên thế giới cũng làm cho giá cước vận chuyển tăng mạnh, quốc gia nào tận dụng được lợi thế về logistics cũng như giảm thiểu được các chi phí sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong xuất khẩu hàng hóa.

Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản sang thị trường Singapore nói riêng và thị trường thế giới nói chung, Thương vụ tiếp tục tích cực thực hiện kết nối với các doanh nghiệp thủy hải sản của Việt Nam để đưa các thông tin mặt hàng mà các nhà nhập khẩu Singapore đang tìm kiếm; kết nối với Hiệp hội các ngành công nghiệp thủy sản của Singapore để hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn.

Tháng 6/2024 vừa qua, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ đoàn doanh nghiệp thủy sản Singapore về Việt Nam, tổ chức kết nối giao thương với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, thăm một số doanh nghiệp và trang trại nuôi trồng thủy sản tại TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa.

Khánh Hòa
thương vụ Singapore
giao thương
(Nguồn ảnh: Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore)

Thương vụ cũng liên tục có các hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản để chia sẻ các kinh nghiệm tiếp cận thị trường và khuyến nghị nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã hàng hóa để giữ uy tín của thủy sản Việt Nam đối với thị trường Singapore.

Nguồn: Tapchicongthuong.vn